Thứ Năm, 24 tháng 12, 2009

CÔ GIÁO CATUL HỎI “CÁ” TRONG "BẮT CÁ HAI TAY" CÓ PHẢI CÁ BƠI TRONG NƯỚC KHÔNG?

 

Người cá

 

“Bắt cá hai tay” là một thành ngữ, dùng thì được, nhưng hiểu cho chuẩn xác thật không dễ chút nào.

1) Trong “Kể chuyện thành ngữ tục ngữ” (tái bản lần thứ nhất – có sửa chữa) của Viện ngôn ngữ học do Hoàng Văn Hành chủ biên (Hà nội, 1994) giải thích như sau: “Bắt cá hai tay” tức là dùng cả hai tay để bắt một con cá, như kiểu “cầm hai tay”, “đưa hai tay”, “bưng hai tay”…Song hiểu như thế thì hành động “bắt cá” ở đây sẽ đạt được kết quả một cách khá chắc chắn và không có gì đáng chê.

Nhân dân ta đều hiểu thành ngữ này với nghĩa đen là mỗi tay bắt một con cá và kết quả là tuột mất, chẳng bắt được con nào (…).

Từ nghiã đen cụ thể đó, nhân dân ta đã dùng thành ngữ này với nghĩa rộng hơn để chỉ những người có tư tưởng “nước đôi”, hoặc tham lam ôm đồm, muốn có nhiều thứ, muốn làm nhiều việc cùng một lúc, không được việc này thì được việc khác, kết quả hoặc là không được việc gì , “xôi hỏng, bỏng không” hoặc được chắc một thứ, nhưng thường bị chê trách là tham lam khôn ranh.

Cách giải thích trên phải qua hai bước: Đầu tiên, bắt cá hai tay là hai tay cùng bắt một con cá. Tiếp theo, hai tay cùng lúc bắt hai con cá. Điều đó không đúng với tính chất của thành ngữ. Thành ngữ là “một tập hợp từ cố định quen dùng có nghĩa định danh, gọi tên sự vật, thường không thể suy ra từ nghĩa của từng yếu tố cấu thành” (Đại từ điển tiếng Việt trang 1466)

2) Trong tiếng Việt, Ngoài từ “cá” chỉ động vật bơi trong nước còn rất nhiều từ “cá” khác. Chẳng hạn:

- Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh -Tịnh Paulus Của: ở vần cá ghi: Cá cuộc, cuộc với nhau. (Trang 86)

- Đại từ điển tiếng Việt bộ mới: Cá là đánh cuộc, hai người cá nhau xem đội bóng nào thắng (trang 169). Cá độ: Đánh cuộc với nhau tỷ số thắng thua của trận đấu để ăn tiền (trang 171). Cá cược: Đánh cuộc ăn tiền.

Như vậy “cá” trong “Bắt cá hai tay” là cá các cược hoặc cá độ chứ không phải cá bơi trong nước. Trong trò “cá” này, người bắt cá chỉ được phép bắt đội A hoặc đội B thắng (hoặc thua). Người tham lam hai tay bắt hai đội cho ăn chắc (đương nhiên luật chơi không cho phép) Câu thành ngữ trên nhằm chê bai người tham lam cái gì cũng muốn được về mình.

Giáo sư Nguyễn Lân cho “cá” trong thành ngữ “bắt cá hai tay” là cá bơi trong nước nên giảng câu “Thứ nhất thả cá, thứ nhì gá bạc” rằng: “Việc thả cá có lợi là đúng, cần khuyến khích, còn gá bạc thì ngày nay là một tội phạm, vì đó là một việc làm bất chính” (Từ điển thành ngữ và tục ngữ, trang 303).

Tục ngữ của dân gian không bao giờ ghép cái lợi do việc làm chính đáng với cái lợi do việc làm bất chính để răn dạy người đời. Ở câu trên thả cá và gá bạc đều đáng lên án. Khuyến khích thả cá trong trường hợp này là một điều tai hại có khi phải vào ngồi nhà đá.

Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 16 tháng 12, 2009

VỀ MỘT BẢN DỊCH BÀI THƠ HOÀNG HẠC LÂU CỦA THÔI HIỆU

 

        Lầu Hoàng Hạc ở Vũ Xương, bên sông Trường Giang, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc

 

                                         Hạc trắng (bạch hạc) Blog anhkim01

 

 

Nhà thơ Thôi Hiệu (704-754) làm thơ khôngnhiều nhưng chỉ với hai bài “Trường Can hành” và “Hoàng Hạc lâu” thì tên tuổi ông đã ở đỉnh cao chói sáng trong nghệ thuật thơ Đường. Chả thế mà thơ tiên Lý Bạch cảm xúc trước cảnh sắc lầu Hoàng Hạc, muốn làm thơ ngợi ca mà đành phải gác bút thốt lên “Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc, Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu’ (Trước mắt có cảnh đẹp mà không thể làm thơ được, vì ở trên đã có bài thơ của Thôi Hiệu rồi).

       Nguyên văn chữ Hán bài Hoàng Hạc lâu:

 

 崔颢

黄 鶴 樓

昔 人 已 乘 黄 鶴 去

此 地 空 餘 黄 鶴 樓

黄 鶴 一 去 不 復 返

白 雲 千 載 空 悠 悠

晴 川 歷 歷 漢 陽 樹

芳 草 萋 萋 鸚 鵡 洲

日 暮 鄉 關 何 處 是

                           煙 波 江 上 使 人 愁

 

Nhà thơ Tản Đà phiên âm, dịch xuôi,  và dịch thơ:

 

Phiên âm

            Hoàng Hạc lâu

 

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,

Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu.

Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,

Bạch vân thiên tải không du du.

Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ.

Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.

Nhật mộ hương quan hà xứ thị ?

Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

 

Dịch xuôi

                         Lầu Hoàng Hạc

 

Người xưa đã cưỡi hạc bay đi rồi.

Ở chỗ này đây chỉ còn trơ lại một ngôi lầu tên là Hoàng Hạc.

Hạc vàng đã bay đi rồi không trở lại nữa.

Mây trắng ngàn năm vẫn bay lơ lửng hoài.

Bên dòng sông khi trời tạnh, hàng cây đất Hán Dương trông rõ mồn một.

Trên bãi Anh Vũ cỏ thơm mọc mơn mởn xanh tươi.

Lúc trời chiều, đứng ngắm cảnh, tự hỏi đâu là nơi quê nhà?

 

Dịch thơ

        Lầu Hoàng Hạc

 

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu ?

Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ !

Hạc vàng đi mất từ xưa,

Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay

Hán Dương sông tạnh cây bày,

Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non.

Quê hương khuất bóng  hoàng hôn,

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai ?

Ngày Nay số 134

29.10.1938

 

Gần một thế kỷ nay, rất nhiều người đã dịch Hoàng Hạc lâu ra quốc ngữ nhưng bản dịch của Tản Đà được mọi người cho là xuất sắc nhất. Trong “Lời bạt: Thơ Đường và các bản dịch thơ Đường của thi sĩ Tản Đà” (1) Giáo sư Trần Thanh Đạm viết: “Bản dịch Hoàng Hạc lâu của Tản Đà có thể được xem là mẫu mực thành công của nghệ thuật dịch thơ trong giao lưu văn chương cuả mọi thời đại”. Tuy nhiên sự sáng tạo là vô hạn, đầu thế kỷ 21 nhà giáo Phan Nhật Chiêu, giảng viên Đại học KHXH và NV th. Ph. Hồ Chí Minh,  người nhiều năm giảng dạy Đường thi, đã dịch lại bài thơ này và được từ điển Wikipedia giới thiệu bên cạnh các tên tuổi  như Ngô Tất Tố, Khương Hữu Dụng, Trần Trọng Kim. Để mô tả tài năng dịch thuật của ông Nhật Chiêu,  nhà sư Thích Thanh Thắng mượn câu thơ của Trần Nhân Tông “Nhất hồi niêm xuất nhất hồi tân” (Mỗi lần chạm tay vào là một lần mới tinh) (2) để ví von ca ngợi.  Và đây là bản dịch của Phan Nhật Chiêu trong Wikipedia:

                           

                             Lầu Hoàng Hạc

                    

                     Chở tiên đi, cánh hạc vàng

Bỏ hư không lại còn Hoàng Hạc lâu

Hạc vàng mất hút thiên thu

Để ngàn năm trắng mây từ từ trôi

Sông tình cây Hán Dương tươi

Bờ Anh Vũ  cỏ xanh ngời ngời xa

Quê hương đâu? Bóng dương tà

Trên sông khói sóng còn ta với sầu.

 

Theo thiển ý, câu “thử địa không dư Hoàng Hạc lâu” mà dịch là “bỏ hư không lại còn Hoàng Hạc lâu” thì đúng là mới và có phần khá hơn “Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ” của Tản Đà. Những câu còn lại thì có mới nhưng không thể hay hơn  bản dịch của Tản Đà được.  Chưa nói câu thứ nhất và câu thứ năm người dịch đi quá xa nguyên tác làm giảm mức độ thi vị của bài thơ. “Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ”  là nói về người xưa đã cưỡi hạc đi mất rồi, là nỗi xót xa của tác giả trước thời thế: Cái rực rỡ huy hoàng của một thời không còn nữa, tất cả đã theo cánh chim hạc bay vào cõi vô cùng vô tận... Nó không chỉ đơn giản như ông Nhật Chiêu nói: “Chở tiên đi, cánh hạc vàng”, thường tình như con thuyền chở khách xuôi ngược trên dòng sông. Hai chữ “tích nhân - ” (người xưa) không được dịch  giả quan tâm tới, làm câu thơ mất hết vẻ xa xăm, khắc khoải.  Đến câu thứ  năm “Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ” được ông Nhật Chiêu dịch “Sông tình cây Hán Dương tươi” đã làm người đọc hiểu sai chữ “tình” trong nguyên tác đến 180 độ. “Tình” không viết hoa tức không phải tên sông! Vậy thì “sông tình” chỉ có nghĩa là sông tình yêu!  Trong khi đó Thôi Hiệu viết chữ tình ( ) gồm chữ thanh ( ) và bộ nhật () có nghĩa là tạnh, và “tình xuyên” ( ) đơn giản là sông tạnh. “Hán Dương sông tạnh cây bày / Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non” nói cái bao la của đất trời làm cho con người cô đơn, đến độ  lạc cả quê hương.  Đưa hai chữ “sông tình” vào đây không nói lên được tâm trạng đó và hoàn toàn lạc lỏng.   

     Có lẽ với bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu thì bản dịch của Tản Đà cho đến nay là đỉnh cao duy nhất chưa ai vượt nổi và “là mẫu mực thành công của nghệ thuật dịch thơ trong giao lưu văn chương cuả mọi thời đại” như Giáo sư Trần Thanh Đạm đã nhận  xét.

----------

1) Lời bạt trong tập Thơ Đường Tản Đà dịch, Nhà xuất bảnTrẻ, Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học thành phố Hồ Chí Minh 1998.

(2) Dẫn theo http://Vietbao.vn bài  “Bàn tròn văn học về Nhật Chiêu”

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2009

"LINH GIANG" LÀ SÔNG NÀO ??

 

 

 

 

 

 

 

                                                     SÔNG GIANH

 

Đang Chưa biết  viết gì lên blog thì báo Quảng Bình có thư gửi Bu mời viết báo xuân và báo tết. Xong được một bài Bu post lên multi mời các bạn đọc chơi và nếu có có lời góp  ý chỉ bảo thì Bu tui cảm ơn lắm

 

 

Đã từ lâu, người dân Quảng Bình và những ai quan tâm đến sử ký,  địa lý nước nhà, đều nghĩ rằng sông Gianh trước đây có tên là Linh Giang.  Nhưng mới đây, tạp chí Xưa & Nay - Hội khoa học Lịch sử Việt Nam số 341 tháng 10 năm 2009  đăng bài  viết của ông Tôn Thất Thọ có tựa đề   “LINH GIANG” LÀ SÔNG NÀO?  Ông dẫn ra các tư liệu lịch sử có đề cập đến tên Linh Giang, rồi chọn lấy tư liệu nào có niên đại cổ nhất để kết luận Linh Giang là tên cũ của sông Hương Thừa Thiên Huế, chứ không phải tên cũ của sông Gianh ở Quảng Bình. Tóm tắt bài viết của ông Thọ như sau:

1- Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC) được biên soạn trước năm Tự Đức 29 (1875) viết: “Sông Linh Giang (sông Gianh): ở cách huyện Bình Chính 3 dặm về phía nam, bờ bắc thuộc huyện Bình Chính, bờ nam thuộc huyện Bố Trạch, lại có tên là sông Thanh Hà (ĐNNTC, T.2, sđd, tr40). Như thế thì ĐNNTC được biên soạn vào thời điểm sớm nhất cách nay cũng đã 134 năm.

2- Dư địa chí do ông Nguyễn Trãi soạn năm 1434  có đoạn viết: “Hải cập Vân, Linh Duy, Thuận Hóa. Hải, Nam Hải dã. Ải, sơn dã. Linh, thủy danh. Thuận Hóa, cổ Việt Thường bộ” (dịch: Bể cùng núi Vân, sông Linh là ở Thuận Hóa - Bể là bể Nam Hải. Vân là Ải Sơn. Linh là tên sông. Thuận Hóa xưa là bộ Việt Thường)

3- Ô Châu cận lục do Ông Dương Văn An nhuận sắc năm 1553 đã chép rất rõ ràng về tên gọi sông Linh Giang: “Sông Linh Giang . Sông do hai nguồn Kim Trà và Đan Điền chảy vào, rộng sâu vô cùng, khúc uốn quanh co rất hữu tình. Phía tây nam có đền thờ Tứ Vị và trạm dịch Địa Linh. Phía đông bắc có chùa Sùng Hóa và bia Hoằng Phúc. Các nha môn như hiến ty, huyện đường, chưởng vệ đều đặt ven hai bên sông” (ÔCCL, Sđd, tr.24). Đền chùa danh lam: Chùa Sùng Hóa. Chùa ở xã Lại Ân huyện Tư Vinh trước có sông Linh Giang bao bọc, sau có đầm lớn vòng quanh, phía nam có sông Hòa Tài, phía bắc có bia Sùng Phúc....đây là ngôi chùa nổi tiếng ở Hóa Châu (ÔCCL tr.78)

4- Phủ Biên tạp lục do ông Lê Quý Đôn soạn năm 1776 đã chép: “Sông cái Đan Điền nguồn ở rất xa, bờ nam bờ bắc sông đều có dân cư, thành lớn Thuận Hóa ở về hạ lưu. Huyện Kim Trà ở ngả

Ba sông Kim Trà ...” (PBTL, Sđd, tr.96) ... “Từ bến các xã phường Lộc Điền Lũ Đăng đi thuyền theo sông Đại Linh là phía hữu sông, Đại Linh tức sông Gianh , qua hai xã Vân Lôi, La Hà, đến ngả ba là chỗ sông Gianh và sông Son gặp nhau” (PBTL, Sđd, tr.101) 

5- Để xác định thêm một lần nữa vị trí chùa Sùng Hóa, tác giả viết: “Về vị trí chùa Sùng Hóa, sách Đại Nam nhất thống chí, T.1, quyển 2 phủ Thừa Thiên chép: “ở xã Triêm An huyện Phú Lộc. Năm nhâm dần bản triều Thái tổ thứ 45 thuyền ngự qua xã này nhận thấy phía đông bắc bờ sông cây cối xanh tươi, chim đàn lượn đỗ, lấy làm thích, bèn dừng thuyền ngắm cảnh, thấy có di tích chùa cổ, sai sữa chữa lại và cho tên hiện nay. Nay không biết chỗ nào” (ĐNNTC, T.1 Sđd, tr.183)

     Sau khi dẫn ra các tư liệu trên, ông Thọ kết luận “Qua các địa danh và vị trí địa lý đã dẫn chứng trong các tư liệu có trước khi ĐNNTC ra đời (mà cụ thể là Ô Châu cận lục), như KimTrà, Đan Điền huyện Tư Vinh ...ta thấy rằng Linh Giang là tên gọi chỉ con sông Hương ở Thừa Thiên - Huế chứ không phải là sông Gianh như các sử thần nhà Nguyễn đã chép!”

*

*   *

Người viết bài này đã đối chiếu những tư liệu mà ông Thọ trích dẫn và thấy rằng ông dẫn đúng như những gì mà sách in ra. Tuy nhiên cùng một sự việc mà tư liệu này ghi khác tư liệu kia, lại được tác giả dẫn ra cùng một lúc làm người đọc rối rắm khó hiểu, dẫn đến sức thuyết phục bài viết giảm đi. Chẳng hạn ở mục 3, sách Ô Châu cận lục khẳng định “Chùa Sùng Hóa ở xã Lại Ân huyện Tư Vinh trước có sông Linh Giang bao bọc, sau có đầm lớn vòng quanh”, nhưng đến mục 5 tác giả lại trích ĐNNTC bảo rằng Chùa Sùng Hóa “ở xã Triêm An huyện Phú Lộc”. Ai cũng biết sông Hương được tính từ ngả ba Bằng Lãng, nơi gặp nhau của nguồn Tả Trạch và nguồn Hữu Trạch  cho đến cửa biển Thuận An dài 33 km làm sao mà chảy qua địa phận huyên Phú Lộc được. Cũng ở mục 3, ông Dương Văn An viết trong Ô Châu cận lục: “Phía  tây nam (sông Linh Giang) có đền thờ Tứ Vị và trạm dịch Địa Linh. Phía đông bắc (sông Linh Giang) có chùa Sùng Hóa và bia Hoằng Phúc”. Như vậy, tên chùa Sùng Hóa có từ thời nhà Mạc, nhưng đến mục 5 thì tên chùa Sùng Hóa lại do “...Bản triều Thái tổ thứ 45 thuyền ngự qua xã này nhận thấy phía đông bắc bờ sông cây cối xanh tươi, chim đàn lượn đỗ, lấy làm thích, bèn dừng thuyền ngắm cảnh, thấy có di tích chùa cổ, sai sửa chữa lại và cho tên hiện nay”. Vậy thì tên chùa Sùng hóa do bản triều Thái tổ thứ 45 đặt ra hay đã có từ thời nhà Mạc. Và cứ theo ông Lê Quý Đôn (mục 5) nói rằng sông Đại Linh là sông Gianh. Chữ nôm: “sông” trước hai chữ “Đại Linh” là cách nói nửa nôm nữa Hán, vậy nếu nói thuần túy theo từ Hán Việt thì sông Đại Linh chính là Đại Linh Giang. “Đại” ở đây là tính từ chỉ sự lớn, còn Linh Giang là danh từ chỉ tên sông.  Đương nhiên lớn để so sánh với nhỏ, vậy xin dẫn ra đây vài số liệu nói về quy mô giữa sông Gianh và sông Hương.

- Chiều dài: Sông Gianh 160 km, sông Hương 30 km

- Lưu lượng trung bình: Sông Gianh 252 m3/s, sông Hương 179m3/s

- Diện tích lưu vực: Sông Gianh 4.680 km2, sông Hương 713 km2

Cũng cần nói thêm, từ Gianh không có nghĩa, nó chỉ là phương ngữ của người miền bắc chỉ cây cỏ tranh, trong thành ngữ “nhà gianh vách đất”. Tôi tin là người Quảng Bình từ xa xưa không dùng từ Gianh vô nghĩa đặt cho tên sông, mà do biến thể của một từ  nào đó chẳng hạn từ  ranh trong “ranh giới” thời Trịnh Nguyễn phân tranh, hoặc từ “Giang” trong Đại Linh Giang như đã nói.  

Và cứ cho là sông Hương đã từng có tên là Linh Giang thì việc trùng tên giữa hai con sông cũng không có gì lạ. Ở Việt Nam ta  việc trùng địa danh khá nhiều: Chẳng hạn Thừa Thiên - Huế có phá Hạc Hải thì huyện Quảng Ninh của Quảng Bình cũng có đầm Hạc Hải. Quảng Bình có sông Nhật Lệ thì ở Hà Tĩnh cũng có núi Nhật Lệ ở địa phận hai xã Ngụy Dương và Đại Nại (ĐNNTC . tập 2, tr. 90,  nxb Thuận Hóa 1992). Vậy thì có hai sông Linh Giang, một lớn ở Quảng Bình và một nhỏ ở Thừa Thiên Huế cũng là chuyện thường. Người viết bài này cho rằng các sử quan của Quốc sử quán triều Nguyễn khi viết Đại Nam nhất thống chí không thể không tham bác các sách Ô Châu cận lục,  Dư địa chí, Phủ biên tạp lục. Thậm chí họ còn tham bác cả Tấn thư Châu quận chí mà học giả Đào Duy Anh trích ra trong “Đất nước Việt Nam qua các đời” (nxb Thuận Hóa 1994). Ở trang 80 sách này viết: “Tấn thư Châu quận chí nói rằng năm Thái Khang thứ 10 chia quận Tây Quyển mà lập huyện Thọ Linh, sông Thọ Linh là sông Linh Giang”. Thái Khang thứ 10 là năm 290 đời vua 

Vũ Đế thời Tây Tấn cách nay khoảng 1719 năm. Ngày nay huyện Thọ Linh không còn nữa nhưng Thọ Linh vẫn là tên của một thôn thuộc xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Hai chữ Thọ Linh  minh chứng cho lời ghi của Tấn thư Châu quận chí như đã trích dẫn.  Vậy, Phủ biên tạp lục gọi sông Gianh là sông Đại Linh, tức là Đại Linh Giang, dân chúng nói gọn hơn: Linh Giang, hoàn toàn phù hợp với Đại Nam nhất thống chỉ của Quốc sử quán triều Nguyễn vậy.

Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2009

BẢY NGÀY Ở VŨNG TÀU.

Thằng cháu ngoại ở Vũng Tàu tròn một năm tuổi, ông bà khăn gói vượt trên ngàn cây số vào làm lễ thôi nôi. Suốt 7 ngày bà ngoại luẩn quẩn theo cháu, không đi đến đâu. Ông ngoại tù cẳng, tìm đến học viện Phật giáo Đại Tòng Lâm (ở Bà Rịa) chụp ảnh với tượng ông A Di Đà, cùng 48 lời nguyện của ông hóa thành 48 vị Bồ tát. Lại lên núi thăm Thiền viện Chơn Không, ở đây chỉ có tượng ông Thích Ca với các thiền sư thuộc kinh sách làu làu như cháo chảy. Hỏi sư ngài Thích Ca với ngài A Di Đà quan hệ với nhau thế nào mà kinh Vô lượng thọ viết rằng ông Thích ca khuyến cáo bố ông ấy phải tụng niệm ông A Di Đà để ông ta sớm cho về Tây phương cực lạc (!). Đúng lúc đó thì cậu con trai thông báo sẽ đưa vợ con về Vũng Tàu. Thế là Bu đành giã từ Thiền viện, về chụp ảnh hai thằng cháu giành nhau quả bóng. Cả nhà được một phen cười lăn. Khỏi cầu ai cả, ông bà nội ngoại được một phen giải thoát khỏi cái mệt mỏi của hành trình thiên lý. Nay đưa lên đây vài tấm ảnh, mời bác bạn chia vui với Bu này. 

Học viện Phật Giáo Đài Tòng Lâm

Cổng vào Thiền viện Chơn Không

Đường lên Thiền viện

Con rể, con gái, cháu ngoại và bà sui gia

Con trai, con dâu, cháu nội.

Bà và cháu nội

Cuộc chiến bắt đầu (cu Rơm cháu nội áo ba lỗ, cu Bắp cháu ngoại áo dài tay)

Tạm thời hưu chiến !

 

Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2009

NGƯỜI DẪN ĐƯỜNG

 

 

Ông là một viên chức mẫn cán và rất tôn trọng những gì thuộc về truyền thống.  Đã bao nhiêu năm qua, dân phố vẫn thấy ông đi làm, chân dận  giày Tây, khoác bộ com lê cũ rích, cổ sơ mi thắt cà vạt, đầu đội mủ phớt, tay cầm cây can bằng song đã lên nước bóng loáng. Ông đi, mắt nhìn thẳng, tiếng can gõ theo nhịp bước như triền miên, bất tận. Một hôm đang đi, bổng ông nghe tiếng người ngã phía sau, tiếp theo là tiếng rơi loảng xoảng của những đồ vật gì đó. Ông quay lại thì thấy một cậu bé mù khoảng 13, 14 tuổi đang lồm cồm bò dậy, hai tay quờ quạng nhặt những dụng cụ của nghề đánh giày rơi vãi trên mặt đường. Ông giúp cậu bé nhặt nhạnh mọi thứ và ái ngại:

- Sao cháu không nhờ bạn bè hoặc người thân dẫn đi.

- Dạ, lâu nay cháu vẫn đi sau lưng bác mà.

- Ồ, thế mà bác không biết gì cả.

- Cháu ở cùng phố với bác, sáng sáng hễ nghe tiếng can bác gõ cạch cạch trên đường nhựa là cháu xách hộp đi theo. Cháu đánh giày ngay trước cổng cơ quan bác làm. Đến trưa, khi nghe tiếng can gõ cạch cạch cháu lại theo bác trở về.

- Thế ra lâu nay bác là người dẫn đường cho cháu.

- Vâng, bác là người dẫn đường.

- Hôm nay cơ quan bác dời sang chỗ làm mới,  nên bác phải rẽ sang trái so với đường cũ bác vẫn đi.

- Cháu cũng ngờ ngợ thấy có gì khang khác, không chừng tai họa đến nơi, nhưng là người mù nên cứ lủi thủi đi theo.

- Dẫu sao thì bác cũng xin lỗi cháu, làm người dẫn đường mà đi không đúng đường làm cháu ngã.

Thằng bé cảm động trước thái độ ông già nhưng nét mặt nó vẫn hiện lên chút phân vân, nghi ngờ: Liệu phần tiếp theo  con đường rẽ trái của ông già có bằng phẳng gì hơn hay lại làm mình ngã u đầu bươu trán ???

 

  

 

Đọc tiếp ...

NGƯỜI DẪN ĐƯ

Đọc tiếp ...

Thứ Hai, 19 tháng 10, 2009

NGHÉ VÀ TRÂU !!

 

 

Bạn vong niên của tôi là một ông nhà văn ngoài 80, đã có 25 quyển tiểu thuyết, 10 tập thơ, lý luận phê bình và tạp văn 5 quyển, những bài báo lặt vặt nhiều lắm không tính làm gì. Hồi trai trẻ nghe đâu cụ bị họa văn chương, phải lên bờ xuống ruộng, thân tàn ma dại một thời. Mới đây cụ không khoẻ, tôi đến thăm, động viên cụ: Cụ thế mà sướng, có tác phẩm để đời, sắp tới không khéo được giải thưởng nhà nước, tên cụ có khi lại được người ta đặt cho đường phố Thủ đô chứ chẳng chơi. Nghe thế, cụ quay phắt nhìn tôi, ý muốn nói gì nhưng có lẽ mệt hoặc cho là tôi nói tầm phào nên lại thôi. Vừa lúc thằng cháu đích tôn của cụ đi đâu về, mặt mũi đỏ như gà chọi. Tôi bảo nó, ông ốm mà mày thì lông nhông suốt ngày. Nó bảo, ấy, cháu đi chăn trâu mà chú. Tôi gặng, trâu hay là nghé. Nó tròn mắt, trâu hẳn hoi, mà sao chú hỏi thế.  Tôi kể, hồi còn chiến tranh phá hoại, có thằng bé bằng tuổi mày được Hợp tác xã giao cho nuôi con nghé. Nó ấy à, siêng bằng vạn mày. Dắt nghé đi hết đồng gần sang đồng xa cho nghé ăn tròn bụng, lại cho nghé đầm nước. Đông che hè thoáng. Con nghé lớn như thổi, da bóng lừ như gỗ mun, đôi sừng vểnh lên nhọn hoắt trông hùng dũng lắm. Ấy thế mà dân làng quen miệng cứ bảo nó là nghé, chưa một ai gọi nó là trâu. Đến đây thì cụ nhà văn lão thành ra hiệu nhờ tôi xoay người cụ lại tư thế nằm nghiêng. Thằng bé sốt ruột dục, rồi sau đó thế nào hả chú? Tôi kể tiếp: Một hôm máy bay Mỹ ném bom vào làng, con nghé đẹp mộng mơ của thằng bé bị mảnh bom phạt đứt cổ, chết. Hợp tác xã mổ thịt chia cho xã viên. Mọi người gọi nhau ý ới, bà con ơi ra sân hợp tác xã nhận phần thịt trâu. Thịt trâu ngon lắm. Ông nhà văn già nghe đến đó thì ho lên mâý tiếng rồi mặt mày biến sắc phải đưa đi cấp cứu. Bác sĩ khám chán cũng không hiểu vì sao cụ lại sốc nặng thế. Tôi nhỉ bụng, hay tại câu chuyện sống là nghé, chết đi mới được gọi là trâu của tôi mà nên nỗi. Đến giờ nhắc lại tôi vẫn còn ân hận về câu chuyện tào lao của mình.

Đọc tiếp ...

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2009

HÀNH TRÌNH VỀ VỚI QUÊ CHOA

                Nguyễn Quốc Túy, tác giả HÀNH TRÌNH VỀ VỚI QUÊ CHOA

 

 

Chú em trai của Bu - thạc sỹ vật lý, có nghề tay phải là chuyên viên ở sở Giáo dục Lâm Đồng , nghề tay trái là phó chủ tịch Liên đoàn Võ thuật Lâm Đồng, chủ tịch Hội Karate Lâm Đồng, Trọng tài quốc gia môn Karate. Như vậy, cả hai tay  đều không đụng gì đến văn chương, thế nhưng Entry HÀNH TRÌNH VỀ VỚI QUÊ CHOA  viết về blog Nguyễn Quang Lập của chú được nhà văn này khoái quá, xin cóp về cho mọi người đọc. Sơ sơ đến hôm nay  HÀNH TRÌNH VỀ VỚI QUÊ CHOA đã nhận được 90 comment.  Nay Bu post bài ấy lên, mời các bạn đọc giết thì giờ lúc trà dư tửu hậu.

 

 Thu về bỗng  nhớ…Bọ Lập, thủ lĩnh của blog Quê choa nổi tiếng. Không nhớ ai lại đi nhớ bọ Lập, mà lại nhớ bọ Lập mùa thu nữa mới lạ he he.

       Dân tộc này nhớ về một mùa thu “sao vàng cờ bay”; Trịnh Công Sơn nhớ mùa thu Hà Nội với “cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, bầy Sâm Cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời”; với mình mùa thu đánh dấu cái duyên gặp bọ Lập và đến với blog Quê choa.

         Dự định viết một chút gì đó về Bọ Lập và Quê choa nhưng bắt tay vào viết thì sao thấy khó thế. Quả là “văn dốt võ dát”, viết có mấy chữ mà đặt bút từ Hạ thu tới tận Trung thu mới xong. Thế mới thấy mấy lão nhà văn tài thật, viết hết quyển nọ tới quyển kia dễ dàng cứ như lấy chữ trong túi ra vậy.

 

 

                    Ký ức vụn, tạp văn chọn lọc của nhà văn Nguyễn Quang Lập

 

KỶ NIỆM NHỎ VỚI BỌ LẬP

       Giới thiệu NMĐĐT của Nguyễn Khắc Phê trên Sông Hương số 32, năm 1988

      Thu 2005 lần đầu tiên mình gặp Bọ Lập. Thực ra, mình đã có loáng thoáng nghe về Nguyễn Quang Lập vào giữa những năm 80 của thế kỷ trước, khi mình còn là sinh viên sư phạm Huế. Dạo ấy mình hay đọc tạp chí Sông Hương nên thi thoảng bắt gặp cái tên Nguyễn Quang Lập bên cạnh một số truyện ngắn. Thú thực là cho đến lúc ấy cái tên Nguyễn Quang Lập chưa để lại ấn tượng nào trong kí ức, thậm chí mình còn quả quyết Nguyễn Quang Lập và Nguyễn Quang Hà (hay xuất hiện trên Sông Hương) là hai anh em ruột. Cũng có thể hồi ấy Bọ Lập chưa nổi tiếng như bây giờ hoặc do thời sinh viên mình lo quan tâm đến…giống cái nhiều hơn là tới văn chương, hoặc do cả hai.

       Vậy mà năm 2005 lần đầu tiên mình gặp Bọ Lập. Vào khoảng cuối thu 2005 mình có dịp ra Hà Nội. Mình nhớ sắc thu HN khi ấy ấn tượng lắm, trời se lạnh, sương giăng đầy trên các con phố dài. Mình được dịp thả bộ lang thang khắp các đường phố Hà thành ngắm nghía các dáng kiều thơm Hà Nội chân dài miên man và nghêu ngao nhạc Phú Quang. “Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố, bỗng thấy mình chẳng nhớ nỗi một con đường…”, mình chả phải là nghệ sĩ nghệ siếc gì nên nhớ rất rõ những con đường nhuộm lá vàng vừa đi qua. Đang thơ thẩn phố phường thì nhận được phone của anh bạn nhà báo Lê Thanh Phong (sau này mới nghe Bọ Lập bảo Phong cũng là

người bạn vàng của Bọ).  Thì ra Phong cũng đang công tác ở Hà Nội, biết mình cũng vừa ra HN Phong bảo chiều ra hồ Thiền Quang tham gia cuộc nhậu với một nhân vật đồng hương Nguyễn Quang Lập rất tuyệt, rất đáng gặp.

       Chiều mình ra muộn, đã có ba nhân vật ngồi bên bàn nhậu rồi: Lê Thanh Phong, Lưu Quang Định và…còn ai vào đây nữa: Bọ Lập vĩ đại, tác giả của Quê choa blog. Mình hơi tò mò ngắm nghía lão: ồ thì ra là Nguyễn Quang Lập - ngươi đấy ư! Một gã trung niên rât khó đoán tuổi, không trẻ mà cũng chẳng già (giống Chí Phèo he he); mặt mũi trông có vẻ bất cần đời, ăn nói văng mạng và chửi tục như hát hay, chim bướm cứ lăn lông lốc trên bàn nhậu. Mình hơi bất ngờ nhưng rất thú vị, kinh nghiệm cho thấy rằng trước mặt mình là một người sống rất thật, bạt mạng nhưng tốt bụng .

     Ngồi vào bàn mình mới để ý thấy lão ăn uống cũng nhiệt tình như nói năng (mà thực ra thì lão uống nhiều hơn ăn) với lại lão lấy thức ăn chỉ bằng một tay rất khó khăn, mình không tiện hỏi ngay vì sợ chạm đến nỗi buồn của lão (tan buổi nhậu mình hỏi Phong mới biết là lão bị tai nạn giao thông nên gần như liệt mất một bên cơ thể, sau này đọc một entry lão kể chuyện này chi tiết hơn, thương lão quá đi mất). Mình ngồi một bên bàn với lão (bên kia là LTP và LQD) thấy lão ăn uống khó khăn nên mình luôn gắp thức ăn cho lão thậm chí còn đút cho lão ăn nữa (không ngờ lại có ngày mình còn được xúc cho NQL ăn cơ đấy).

     Được vài tuần bia, đột nhiên lão nhìn chằm chăm vào mặt mình rồi phán một câu tỉnh khô: “Nếu trước 50 tuổi mi không giàu hoặc làm quan to thì tau bú c…cho mi”. Mình chưa hiểu ngô khoai gì thì lão tiếp “Bà Dương Thu Hương dạy tau xem tướng, tau  xem cho gần 100 người và  đến nay hơn một nửa trong số đó nghiệm đúng rồi đó. Lão còn dặn thêm “Sau này mi có nghiệm đúng hay không thì cũng nhớ báo cho tau biết”. À thì ra lão lại còn có nghề xem tướng nữa.

      Tan nhậu, thấy lão loạng quạng vừa vì quá chén vừa vì cái chân tật, mình dìu lão ra tận taxi đóng cửa xe rồi nhìn theo xe chở lão về nhà mà cứ cảm thấy lạ lùng. Một cuộc nhậu không lâu lắm nhưng lão mang đến cho mình rất nhiều cảm xúc, rất nhiều ấn tượng. Có lẽ mình “phải lòng” bọ Lập kể từ đó, đọc blog Quê choa rồi tập Kí ức vụn mình càng củng cố “mối tình đầu” với bọ Lập.

       Sau này trong một lần còm, mình có nhắc về cuộc nhậu vô tiền khoáng hậu với lão ở hồ Thiền Quang nhưng lão bảo không nhớ nổi, “chắc tại mình say quá” lão nói. Ở vị trí của lão có lẽ lão có rất nhiều cuộc nhậu với nhiều người tiếng tăm trong khi mình thì lại chả có tí gì đặc biệt với lão: uống ít mà nói cũng ít, lão chả nhớ cũng phải thôi. Mình cũng chẳng lấy điều đó làm buồn có điều cũng hơi áy náy không hiểu lão có nghĩ là mình “thấy kẻ sang bắt quàng làm họ” rồi bịa ra chuyện nhậu với lão hay không. Mình ở xã Quảng Thanh cách cái thị trấn Ba Đồn của lão có cái cầu Kênh Kịa; mình với lão còn học chung một trường cấp ba Ba Đồn nữa (tất nhiên là mình học sau bọ Lập) thế thôi thì mình cũng đã cảm thấy tự hào rồi, đâu cần phải “bắt quàng làm họ nữa” bọ Lập hè.

        Đã bốn năm sau lần gặp lão năm ấy, điều đáng nói thêm là năm nay “tuổi 50 đã mỉm cười ngoài ngõ” nhưng mình vẫn nguyên vẹn là một anh chuyên viên quèn. Tháng tháng nộp lương cho vợ rồi xin lại mớ tiền lẻ ngồi cà phê cóc phì phèo điếu thuốc, lòng những muốn tin rằng bọ Lập là người xem tướng giỏi nhất thế giới, mong lắm thay… 

 

 HÀNH TRÌNH VỀ VỚI QUÊ CHOA

        Bẵng đi hai năm, câu chuyện với bọ Lập tưởng như chỉ có thế thôi thì…Mùa thu năm 2007 mình có dịp đi công tác Sài Gòn. Chính xác là sắp Trung thu vì mình còn nhớ là mình có đi qua nhiều con phố SG ngập lồng đèn và bánh trung thu.  Tình cờ lại gặp ông anh ruột từ Đồng Hới vào thăm cậu con trai đang làm kiến trúc sư ở SG. Không ngờ cả hai bố con đều đang là fan của bọ Lập trên blog.

     Thú thật là cho đến lúc đó mình chẳng có chút khái niệm gì về bờ lốc bờ leo cả. Hay nói đúng ra là mình chẳng cảm tình với món này nên chẳng quan tâm. Nhắc đến bờ lốc là mình cứ nghĩ đến mấy cái phòng net ngoài phố nơi đó ngập tràn khói thuốc với mấy cái đầu teen bù xù “cá bảy màu”, những đôi mắt ngái ngủ đang chơi trò chát chít bờ lốc bờ leo thâu đêm, mình rất dị ứng với hình ảnh này. Cho nên khi ông anh quảng cáo với mình “nên vào đọc blog bọ Lập, thú vị lắm” thì mình phải nhờ anh cháu phụ đạo cho một buổi chiều về blog. 

      Tối hôm đó mình khai trương blog Quê choa bằng entry đầu tiên của bọ Lập  về bạn văn (không nhớ số mấy) nhưng mình nhớ nói về diễn viên Tiến Hợi chuyên đóng vai Bác Hồ. Lại một bất ngờ nữa về NQL kể từ sau lần gặp ở HN. Mình bị cuốn hút ngay vào blog Quê choa hết bài này đến bài khác và nếu không ngại làm ồn cả nhà đang ngủ vì chốc chốc phải phá lên cười thì có thể mình đã thức sáng đêm với Quê choa.

       Kể từ đó, hàng ngày mình lại có thêm một niềm vui là lên net click vào blog Quê choa với tần số ngày càng tăng. Ai đó gọi blog Quê choa là “Trung tâm gây nghiện” quả là không sai tí nào. Mình đọc không sót một entry nào của lão và nhận ra rằng, cũng như suy nghĩ của mình hai năm trước, lão là người sống rất có tấm lòng, rất có trách nhiệm với đất nước quê hương - những phẩm chất thật đáng quý biết bao. Và vì thế lão có rất nhiều người ngưỡng mộ tìm đến cũng chẳng có gì lạ. 

      Có lẽ mình là người đầu tiên có được tập Kí ức vụn của lão ở thành phố Tây nguyên  này, không phải một mà vài cuốn để tặng những người khoái món đặc sản Quê choa. Phần lớn nội dung của KUV mình đã đọc trên blog của lão,  nhưng rồi mình vẫn đọc lại từ đầu đến cuối cuốn sách một cách thích thú. Điều đáng nói là bà xã nhà mình cũng bị KUV cuốn hút. Chưa thấy bà ấy đọc cuốn sách nào say mê đến thế, lại còn gối sẵn đầu giường để đọc cho tiện.  Đọc xong KUV thì bà xã tuyên bố một câu làm mình  mừng rớt nước mắt: hiểu và quý trọng chồng cùng người quê bọ hơn! Mà quả thực là sau đó nàng có vẻ thương yêu và chăm chút mình hơn, hay ít ra thì cũng bớt càu nhàu khi thu dọn chiến trường nhậu của chồng, sướng rêm! Thì ra văn chương của bọ Lập còn có công năng làm cho các cặp vợ chồng xích lại gần nhau nữa he he.

       KUV với công năng làm cho các cặp vợ chồng xích lại gần nhau.

       Đã có qua nhiều những bài bình luận tuyệt hay về KUV, về bọ Lập cùng Quê choa blog, mình có tán thêm cũng bằng thừa, chưa kể làm sao mà so được với các đại ca văn chương. Mỗi người đến với blog Quê choa có lẽ đều có lí do của mình. Riêng mình ngày càng gắn bó với blog Quê choa vì hai nhẽ. Thứ nhất, như bọ Lập từng nói “Cuộc đời thật bây giờ quá nhiều giả dối, người ta thích mình bởi mình rất chân thật trong blog”, mình cũng tìm đến blog QC như tìm về một không gian sống trong cái THẬT, thật từ mọi thứ: bài viết, nhân vật, tác giả, kể cả các fan cùng các comments của họ. Vào blog Quê choa để tìm một chút Thật, một chút Chân tình sau thừa mứa những điều giả dối trở nên là một nhu cầu đối với mình. Ai dám chắc cái bể giả dối khổng lồ ấy lại không dìm mình xuống nhân một ngày đẹp trời nào đấy. Hóa ra văn chương bọ Lập lại còn giúp cứu rỗi nhân loại nữa cơ đấy. Thứ hai, đọc Quê choa, nhất là về những kí ức về quê hương mà Kí ức vụn gom thành các phần NHỮNG NGƯỜI BẠN KHÓ QUÊN, NGƯỜI TỪNG GẶP, THƯƠNG NHỚ MƯỜI BA, là mình cứ thấy bao nhiêu những kí ức tuổi thơ ùa về nguyên vẹn như mới hôm qua, đọc chuyện nào cũng thấy bàng bạc một chút mình trong đó, nhiều khi đọc xong cứ ngồi ngẩn tò te.  Làng mình ở cách thị trấn Ba Đồn có ba cây số, những nhân vật, những địa danh trong những câu chuyện của lão sao mà thân thuộc quá. Hết ba năm cấp ba Ba Đồn là mình rời cái làng quê đẹp như tranh vẽ bên bờ sông Gianh ấy đến giờ cũng đã gần ba chục năm trời. Một thời con nít, rồi tuổi học trò,  thậm chí cả cái tiếng bọ thân thương cũng bị mai một tưởng như bị vùi lấp mất theo thời gian cùng những bộn bề lo toan cuộc sống. Bọ Lập đã giúp mình sống lại với Quê hương với tuổi thơ bằng những  kỷ niệm, những thổ ngữ tiếng bọ tưởng như đã tuyệt chủng với mình. Vì thế mà mình muốn lấy tên bài viết là “Hành trình về với Quê choa” chứ không phải “đến với Quê choa”. Mà đúng thế thật đọc Quê choa là mình đang trở về với mình, về với nguồn cội chứ không phải đang đi đến du lịch ở một xứ sở xa lạ nào. Ôi, cám ơn bọ Lập. Nhà văn muôn năm!

       Cứ thử hình dung  công việc của lão mới thấy đáng phục bọ Lập. Lão lấy đâu ra thời gian và sức lực mà hoàn thành được một khối lượng công việc khổng lồ thế. In sách, viết kịch bản, viết báo, viết blog, đã thế hàng ngày lão trả lời hàng trăm cái còm, không sót cái nào, quá nể. Đó là chưa kể lão còn có biết bao mối quan hệ khác từ thượng vàng tới hạ cám cần phải để tâm, sắp xếp. Rồi thì lão cũng phải kiếm tiền để sống và để…nhậu nữa chứ. Với một người hoàn toàn lành lặn, khỏe mạnh hoàn thành được mớ công việc vĩ đại ấy cũng đủ mướt mồ hôi, huống chi…

       Đôi khi cứ nghĩ bâng quơ không biết động lực nào đã  khiến lão hao tổn thời gian sức lực cho từng ấy công việc. Lão tích cực kiếm tiền làm giàu ư? Mình không tin, những người như lão chắc không màng đến chuyện làm ông trọc phú. Để kiếm sống cũng không có lí, cái thời bao cấp cơ cực mới cần đến điều đó, nay lão có thể không giàu nhưng chắc cũng không đến nỗi phải lăn lộn vì miếng cơm manh áo. Thế lão đang muốn kiếm cái danh ư? Để nổi tiếng ư? Càng không tin. Đến phỏng vấn trên đài truyền hình Trung ương (điều mà khối kẻ mơ ước) lão còn chả thèm; Kí ức vụn của lão thành công vang dội là thế mà lão coi cũng như không. Mình nhớ như in trong một entry lão có giả sử có Bụt hiện lên đề nghị lão chọn giữa việc trở lại lành lặn và được giải Nô-ben thì lão sẽ ôm chân Bụt mà xin làm người lành lặn.

       Trong “Ua chầu chầu Nguyễn Quang Lập”, Ngô Minh  nhận xét bọ Lập là “đứa mau nước mắt” mình nhất trí liền. Đằng sau vẻ hì hợm của lão có thể là một Nguyễn Quang Lập mềm yếu mong manh? đằng sau những câu chửi vung vít bạt mạng kia bao trùm con người lão có thể là nỗi buồn, là sự cô đơn? Đến đây lão có thể quát vào mặt mình “Vô duyên, tau buồn với cô đơn khi mô”. Vâng! Thưa bọ Lập, bọ từng tuyên bố rằng niềm vui của bọ tỉ lệ thuận với số còm nhận được, rằng sau mỗi entry được post lên bọ lại đau đáu chờ nhận được một số còm rồi mới đi ngủ ngon được. Hàng đêm cho tới khuya, sau một ngày chấm phẩy mọi nơi vì những hỉ nộ ái ố của đời người, bọ lại đối diện với chính mình bên cái bàn phím máy tính  khi mọi người trong nhà đã yên giấc để vỗ về những nỗi buồn cô đơn mà một người sống với tấm lòng như bọ không thể nào không có. 

         Trên mọi cương vị, đôi khi nỗi buồn, sự cô đơn là những thứ rất tốt để giúp người ta làm việc, mà thậm chí là làm được nhiều việc hơn người. Chả hiểu sao nghĩ tới bọ Lập là mình lại cứ bị ám ảnh bởi suy nghĩ này. Vì thế bọ ạ, dù bọ có phản đối thì  mình vẫn tin  vào cảm nhận của mình.

        “Mùa hạ bâng khuâng đi rồi, Hà nội ơi có nghe thu về…”- câu hát mở đầu của bài hát Hà nội mùa thu sớm của Ngô Thế Hiếu mà mình rất thích. Những bài nhạc về thu thật diệu vợi, nghe mênh mang thế nào, thường phảng phất buồn nhưng thật ngọt ngào. Mùa thu luôn có một cái gì đó thật lãng mạn, và luôn làm tâm hồn người ta chùng xuống dành một chút suy tư về đời, về chính bản thân ta. Bước chân của mùa đi có lẽ cũng giống hành trình của phận người.  Mùa hạ sung sức nhiệt huyết của bất cứ ai rồi cũng sẽ qua đi, để đến một ngày mùa thu đời người sẽ ghi dấu hoa râm lên mái tóc. Bọ Lập chưa già nhưng cũng không còn trẻ, cũng vào mùa thu của đời người rồi.  Bọ vẫn hăng say viết, hăng say phục vụ hàng ngàn fan hâm mộ lúc nào cũng háo hức chờ mong những đứa con tinh thần kháu khỉnh của bọ. Liệu có lúc nào bọ dành thời gian chăm sóc cho mùa thu của  mình không nhỉ?

        Lê Thanh Phong có lần đề nghị bọ Lập phải đi đây đi đó để sạc năng lượng cho mình. Nên lắm đó chứ bọ. Để ít nhất thì bà con blogger của Quê choa còn được thưởng thức dài dài nét đẹp lãng mạn của mùa thu trước khi mùa đông nghiệt ngã kéo đến chứ.

        Nếu thế thì tại sao bọ lại không nghĩ đến một lần lên thành phố hoa Đà Lạt để bổ sung năng lượng nhỉ? Hoa trái Đà Lạt, những đôi má hồng đào, những đôi môi dâu, cái lạnh của thành phố cao nguyên là những xúc tác tuyệt vời để “nạp” năng lượng đó bọ nờ. Nghĩ thế thôi cũng đã thấy vui vui, biết đâu một ngày đẹp trời nào đấy lại chẳng được nhậu với bọ Lập trên phố núi mộng mơ này nhỉ?

       Biết đâu lại cũng vào một mùa thu…

Đà Lạt, mùa trăng tròn 2009

Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 6 tháng 10, 2009

THƯƠNG EM ANH CŨNG MUỐN VÔ....

                                     DSCN1531

 

                         Phong cảnh xã Kỳ Nam, Hà Tĩnh , phía bắc đèo Ngang

 

                     DSCN1529

                                   Hoành sơn quan trên đỉnh đèo Ngang

 

                      000091

                Đền thờ bà chúa Liễu Hạnh dưới chân đèo Ngang (phía Quảng Bình)

 

 

 

 

Con gái Ngọc Tú và một số bạn ở ngân hàng Ngoại thương th. ph. HCM  đề nghị Bu giải thích bốn câu ca dao:

Thương em anh cũng muốn vô

Sợ  truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang

Phá Tam Giang ngày rày đã cạn

Truông nhà Hồ nội tán cấm nghiêm

Có phải là hò đối đáp không ? vì nêú là hò đối đáp thì tại sao trong cùng một thời điểm mà truông nhà Hồ và phá Tam Giang lại có ý nghĩa phủ định lẫn nhau ? Truông là gì? nội tán là gì ?

Bu trả lời và xin được các Blogger bổ sung thêm, vì không dám qủa quyết là mình nói đúng.

   Trước hết xin nói rằng 4 câu các bạn hỏi có trong sách "Tục ngữ Ca dao Dân ca Việt Nam" của Vũ Ngọc Phan in lần thứ 7  năm 1971. Tôi hồ nghi tính xác thực của nó vì vào năm cuối cùng của thế kỷ 19 học giả Ngô Giáp Đậu viết sách "Hoàng Việt long hưng chí" có dẫn 4 câu ấy như sau:

Thương anh em cũng muốn vô

Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang

Phá Tam Giang ngày rày đã cạn

Truông nhà Hồ nội tán lệnh nghiêm

Tôi nghĩ "thương anh em cũng muốn vô" như Ngô Giấp Đậu viết có lý hơn, vì thời đó thanh niên đàng ngoài vào đàng trong nhiều hơn là thanh niên đàng trong ra đàng ngoài. Một số đi theo chúa Nguyễn tính kế vạn đại dung thân, số khác đi theo đoàn quân chúa Trịnh vào chinh phạt chúa Nguyễn. Người vợ xa chồng muốn vô thăm nhưng hễ ra khỏi nhà là sợ, huống chi phải  vượt qua truông nhà Hồ với phá Tam giang là những nơi nguy hiểm. "Lệnh nghiêm" có lý hơn "cấm nghiêm" vì quan nội tán chỉ thị mọi việc đều bằng lệnh. Và một lệnh có thể cấm nhiều thứ.

     Theo truyện kể dân gian Thừa Thiên Huế thì ngày xưa người ở phía bắc Hồ Xá muốn vào Huế có thể đi theo một trong hai đường. Đường bộ phải qua truông nhà Hồ (1) đường thuỷ phải qua phá Tam Giang (2). Nhưng cả hai đường đó dều là mối đe doạ đối với mọi người. Truông nhà Hồ là sào huyệt của một băng cướp, người đi qua đó bị chúng bắt nộp tiền mãi lộ, có khi bị cướp của giết người. Còn phá Tam Giang là nơi gặp gỡ của  ba con sông để  cùng đổ ra biển, thường có sóng to gió lớn làm lật thuyền bè qua lại. Bởi thế trong dân gian mới có câu ca:

Đường vô xứ Huế quanh quanh

Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ

Thương anh em cũng muốn vô

Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang

Thời ấy chúa Nguyễn  Phúc Chu (1691-1725) muốn được an dân bèn sai quan nội tán (3) Nguyễn Khoa Đăng (1691-1725)(4) dẹp cướp ở truông nhà Hồ và chế ngự sóng gió ở phá Tam Giang.  Quan nội tán tổ chức một đoàn xe chở lúa đi qua truông và cố tình cho bọn cướp bắt cả người lẫn xe dẫn về sào huyệt. Trên xe, một người lính bí mật rải lúa xuống mặt đường. Đội quân truy cướp cứ lần theo vết lúa mà bao vây diệt cả bọn. Với phá Tam Giang quan nội tán huy động quân dân lặn xuống đào sâu ba cửa sông, mở  rộng lối phá thông ra biển. Nước ba con sông đổ về thoát nhanh, mặt nước phá Tam Giang thu nhỏ lại, làm giảm độ sâu dẫn đến giảm sóng. Sợ dân chưa tin vào biện pháp trị thuỷ đó, quan cho loan truyền trong dân chúng rằng quan nội tán sẽ dùng súng thần công tiêu diệt thần sóng. Mọi người sợ thần sóng không bị diệt sẽ nổi giận gây hoạ khôn lường. Nhưng đến ngày giờ đã định quan nội tán cho nổ ba loạt súng thần công, lửa chớp, khói bay mù mịt cả một vùng, dân chúng hoảng sợ nằm rạp sát đất. Đến khi định thần được thì thấy máu đỏ loang mặt phá và yên chí là thần sóng đã bị tiêu diệt. Thực ra quan nội tán đã cho người phục sẵn dưới  nước, khi nghe súng nổ thì xả phẩm hồng ra. Quả nhiên từ đó phá Tam Giang không còn sóng dữ và cạn dần nên dân chúng còn gọi là phá Hạc Hải (5). Nổi lo qua truông nhà Hồ và phá Tam giang không còn nữa, dân gian mới thêm  vào bốn câu trên hai câu:

Phá Tam Giang ngày rày đã cạn

Truông nhà Hồ nội tán lệnh nghiêm

Để trấn an khách phía bắc Hồ Xá vô Huế và ghi tạc công lao của quan nội tán Nguyễn Khoa Đăng.  

Như vậy, 4 câu ca dao:

Thương anh em cũng muốn vô

Sợ truôngnhà Hồ sợ phá Tam Giang

Phá Tam Giang ngày rày đã cạn

Truông nhà Hồ nội tán lệnh nghiêm

Không phải là hò đối đáp tức thời mà hai câu trước và hai câu sau được dân gian sáng tác cách nhau một thời gian khá xa.

---------------- 


(1) Truông nhà Hồ: Theo từ điển tiếng Việt: Truông là vùng đất hoang, rộng, có nhiều cây cỏ. Ông Vũ Ngọc Phan trong "Tục ngữ Ca dao Dân ca Việt Nam" viết : "Truông là rừng, truông nhà Hồ là Hồ Xá Lâm, huyện Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị". Sách "Địa danh Việt Nam" của ông Đinh Xuân Vịnh có thống kê số truông ở Việt Nam: truông Bát, truông Trẩy (Hà Tĩnh), truông Bổn, truông Khấp, truông Mèn, truông Sắt, truông Thành (Nghệ An), truông Mây (Bình Định), truông Nhà Hồ (Quảng Trị). Như vây truông là một từ của miền Trung, nhưng bảo nó là rừng như ông Phan cũng chưa thật đúng, vì ở miền Trung còn vô số rừng chứ không chỉ có 9 rừng (truông) như đã kể trên. Và ai đã từng đi qua truông Bát ở Hà Tĩnh thì hẳn thấy truông là một vùng đất được kẹp giữa hai dãy núi, có rừng cây, có đèo, suối, dân cư thưa thớt, và trên dãi dất hẹp ấy có đường đi nối các vùng ngoài phạm vi truông đó. Cụm từ "Hồ Xá Lâm" mà ông Phan viết được hiểu là "rừng - nơi người họ Hồ ở" ngày nay ta gọi tắt là Hồ Xá . Nhà Hồ khi nắm quyền (1400-1407) có di dân đàng ngoài vào ở và đặt quân đồn trú tại đây. Xá là nơi ở, như ta vẫn nói ký túc xá.

(2) Phá  Tam Giang:  Phá là vùng nước mặn có dãi đất ngăn cách với biển, thông ra biển bằng một dòng nước hẹp. Tam Giang là ba con sông lớn của Thừa Thiên Huế: sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Hương. Ba sông này đổ vào phá, phá thông ra biển bằng cửa Thuận An. Phá Tam Giang ở huyện Quảng Điền, hình thành cách nay khoảng 2000 năm, là hệ thống đầm phá thuộc loại lớn của thế giới và lớn nhất Đông Nam Á. Phá có chiều dài 68 km, rộng 2-3,5 km, diện tích mặt nước 22.000 ha.

(3) Nội tán:  Theo trí nhớ đã từng đọc ở đâu đó thì nội tán là chức quan chuyên dạy học cho con cháu nhà vua. Chưa tìm được từ điển giải  thích từ này. Các sách "Quan chế học chế nhà Nguyễn", "Quan chức nhà Nguyễn "  cũng không thấy nói đến

(4) Nguyễn Khoa Đăng: sinh 1691, là cháu bốn đời ông Nguyễn Đình Thân quê ở Hải Dương. Ông Thân theo Nguyễn Hoàng vào nam nhập tịch ở huyện Hương Trà thuộc Thừa Thiên Huế, đổi họ thành Nguyễn Khoa. Năm 1722 Nguyễn Khoa Đăng được thăng hàm nội tán kiêm Án sát sứ, coi hết các việc quân quốc, định lại điều lệ. Quan nội tán là người thanh liêm chính trực bị một số nịnh  thần ghen ghét và lập mưu giết chết khi ông mới 35 tuổi (1725)

(5) Hạc Hải: Hạc là cạn, hải là biển. Hạc Hải là biển cạn, tên gọi khác của phá Tam Giang sau khi nó cạn dần (huyện Quảng Ninh của tỉnh Quảng Bình cũng có một phá tên là Hạc Hải)

Đọc tiếp ...