Thứ Năm, 25 tháng 2, 2010

KINH KIM CANG NÓI GÌ ?

                                    Kinh Kim Cang, bản dịch từ Hán sang Việt

                    của Hòa Thượng Thích Thanh Từ (Thiền viện Thường Chiếu, Bà Rịa)

 

 

Bạn Huyền Trân viết vào Guestbook của Bu như sau:

.....Để vài hôm cho nhạt nhòa không khí Tết, rồi em sẽ được nghe những suy nghĩ về kinh Kim Cang qua lăng kính của Bác Bu nhé.

Trước hết phải nói với Huyền Trân và bạn bè là Bu không phải Phật tử, cũng chưa có ý định quy y tam bảo, chỉ đọc sách Phật cho biết vậy thôi.  Đạo Phật là một  nền giáo dục trí huệ để nhận biết rõ toàn triệt nhân sinh và vũ trụ. Học thuyết của Khổng Tử chỉ đề cập đến một đời người, từ khi sinh ra cho đến khi chết. Còn Phật pháp là nền giáo dục thông cả ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai.  Bởi thế người ta không thể lấy cái trí học thông thường để xem xét, mà phải đặt mình vào một không gian khác, một hệ quy chiếu khác mới  hiểu được Phật pháp. Kinh Kim Cang (cũng gọi là kinh Kim Cương) là một trong những đỉnh cao của của tư tưởng Thích Ca.  Đây là quả bom nổ, làm  tan tành hai ngọn núi Kiến Chấp của chúng sinh. Cho nên Bu không dám nói là hiểu hết nó mà thuần túy tóm tắt dựa vào bản dịch của thầy Thích Thanh Từ. Do phải dùng nhiều chuyên ngữ nhà Phật khi tóm tắt nên Bu chú ý vào phần chú thích. Có thể với bạn đã am tường Phật pháp thì chú thích này thừa, nhưng Bu  nghỉ rằng  thừa vẫn hơn thiếu.

Sau khi đọc hết 32 đoạn kinh Kim Cang ta có thể tóm tắt các ý chính như sau:

1- Ta, người, chúng sinh  và tất cả mọi pháp (1) đều vô ngã (2)

2- Tất cả những gì ta thấy và biết được bên ngoài cũng như bên trong tâm (3) ta, kể cả Phật pháp đều là tướng (4), không thể chấp (5)

3- Lìa tất cả tướng tức là không chấp vào bất kì điều gì

4- Tướng tuy là vô ngã nhưng không thể đoạn diệt tướng vì trong tướng có tánh, tướng mất thì tánh mất

5- Tuy tướng không thể chấp, nhưng ta sống trong thế giới danh tướng (6), nên cứ phải tạm dùng danh tướng để mà nói với nhau và để hành động, như bố thí hay diệt độ (7)

6- Các pháp lành đều nên làm nhưng làm mà không chấp vào đâu, không chấp cả phước đức và vô thượng chánh đẳng chánh giác(8)

7- Kinh kim cang có thể tóm vào một câu cuối cùng “Không chấp các tướng như nhất động” . Nếu lại muốn tóm tắt câu này vào một chữ thì đó là “xả”(9)

Chú thích:

 (1) Pháp: Là một khái niệm quan trọng của đạo Phật có nhiều nghĩa:

- Quy luật bao trùm toàn thể vũ trụ, nhất là quy luật tái sinh dưới tác động của nghiệp.

- Giáo pháp của đức Phật, là người đã giác ngộ quy luật nói trên.  Đó là giáo pháp về sự thật tuyệt  đối. Người phật tử khi đã quy y tam bảo trong đó có quy y “pháp” chính là chấp nhận giáo pháp này.

- Giới luật trong đời sống tu hành

- Nội dung tâm thức, đối tượng của mọi quán chiếu, tư tưởng, sự phản ánh của sự vật lên tâm thức con người

- Những thành phần dựng lập lên thế giới hiện hữu, thuyết của Phật giáo thay thế cho tư tưởng “vật chất”, “nguyên tử” của triết học châu Âu

Tổng quát lại, người ta có thể hiểu pháp là “tất cả những gì có đặc tính của nó - không khiến ta lầm với cái khác - có những khuôn khổ riêng của nó, để nó làm phát sinh trong đầu óc ta một khái niệm về nó” (theo Phật học đại từ điển của Đinh Phúc Bảo, lời dịch của Thích Nhất Hạnh) 

(2) Vô ngã: Quan điểm vô ngã là một giáo pháp quan trọng của đạo Phật, cho rằng không có một ngã, một cái gì trường tồn, bất biến, nhất quán, tồn tại độc lập nằm trong sự vật. Theo đạo Phật, cái ngã - cái “tôi”- cũng chỉ là tập hợp của “năm  nhóm” gọi là ngũ uẩn, nó luôn luôn thay đổi, mất mát, và “tôi” chỉ là một sự giả hợp gắn liền với cái khổ. (Nói ngắn gọn về ngũ uẩn:  Là năm nhóm tượng trưng cho năm yếu tố tạo thành con người, ngoài ngũ uẩn đó ra không có cái gì gọi là cái “ta”.  Năm nhóm là:  1) sắc: chỉ thân và sáu giác quan, 2) thụ: tức là cảm giác, 3) tưởng:  là nhận biết các cảm giác như âm thanh, màu sắc, mùi vị...4) hành: là những hoạt động tâm lí sau khi có tưởng,  5) Thức: là bao gồm sáu dạng ý thức liên hệ tới sáu giác quan: Ý thức của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý)

(3) Tâm:  Là thuật ngữ quan trọng của đạo Phật có rất nhiều nghĩa (chỉ nói lên vài nghĩa cần thiết và dễ hiểu)

- Tâm được xem đồng nghĩa với Mạt na (thức suy nghỉ và phân biệt) và Thức, (như  đã nói ở mục 5 trong ngũ uẩn). Tâm chỉ toàn bộ hoạt động của tâm trí.

-  Trong A tì đạt ma câu xá luận (là bộ luận quan trọng nhất của Nhất thiết hữu bộ do Thế  Thân soạn vào thế kỉ thứ 5 sau cn) thì tâm được xem như một thể riêng biệt, trên thể đó thế giới hiện tượng xuất hiện

(4) Tướng:  Là hình thù bên ngoài, được nhận biết do một trong sáu giác quan của thức (mục 5 trong ngũ uẩn)

(5) Chấp:  Là cầm, nắm, giữ, cũng có nghĩa khư khư giữ lấy ý kiến sai lạc của mình gọi là chấp nệ, chấp nhất, chấp trước. Vì chấp nên không thông đạt, chẳng sáng suốt,  chẳng tin tưởng vào chánh pháp, chẳng nghe theo lời lành của bậc thiện tri thức.

(6) Danh tướng: Tên gọi của tướng (xem mục (4): Tướng). Đừng nhầm với danh tướng là tên các tướng cầm quân trên trận mạc

(7) Diệt độ: Được dịch từ hai chữ Niết Bàn (nivana), đồng nghĩa với tịch diệt, bất sanh, vô vi, an lạc, giải thoát.

* Diệt là tiêu trừ nhân quả của vòng sinh tử,  luân hồi,  trừ diệt cái qủa của các mối khổ: Chúng khổ đều dứt, chẳng sinh ra nữa

* Độ là qua khỏi, tức qua khỏi bến mê mà đến bên lành, qua khỏi nguồn sinh tử, bên trầm luân.

(8) Vô thượng chánh đẳng chánh giác:  Là sự giác ngộ đến cùng tột, chỉ một vị Phật.

(9) xả:  Là xả bỏ, một trong những đức hạnh quan trọng trong đạo Phật. Xả có 2 nội dung:

a) Tình trạng không vui không buồn, độc lập với vui buồn

b) Tâm thức vững chắc, nằm ngoài mọi phân biệt. Trong kinh sách đạo Phật người ta thường hiểu theo nội dung này.

Xả là một trong bảy giác chi và bốn phạm trú (10)  Bảy giác chi  là nhóm thứ 6 trong 37 bồ đề phần. ( Bồ đề phần là những điều cần thiết để đạt bồ đề)  37 phần này được chia thành 7 nhóm như sau

(1)- Bốn niệm xứ

(2) - Bốn tinh tiến

(3) - Bốn Như ý túc

(4) - Năm căn

(5) - Năm lực

(6) - Bảy giác chi (cái ta đang nói đến )

(7) - Bát chánh đạo

(4+4+4+5+5+7+8 = 37)

Bảy giác chi gồm:

(1)   pháp (phân tích đúng sai...)

(2)   Trạch tinh tiến

(3)   Hỉ

(4)   Khinh an

(5)    Niệm

(6)   Định

(7)   Xả

(10) Bốn phạm trú  cũng được gọi là tứ vô lương tâm. Bốn phạm trú là:  Từ vô lượng, Bi vô lượng, Hỉ vô lượng, và Xả vô lượng, nói gọn là TỪ BI HỈ XẢ.

Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 17 tháng 2, 2010

TẢN MẠN ĐẦU NĂM.

                                    Hoa Van đa màu vàng gạch

 

                                  ( 3 tấm ảnh hoa  lá vườn nhà )

 

Người ta bảo nhất nghệ tinh nhất thân vinh, vậy nên trước sau như một Bu chỉ làm anh phu lục lộ, nói cho văn vẻ là công nhân xây dựng cầu đường. Thế nhưng cứ tiếp xúc mãi với đất đá, xi măng sắt thép lắm khi cũng chán, đâm ra thích hoa lá, cá cảnh, và mọt sách. Ở nơi quê mùa hiếm sách hay, nên thượng vàng hạ cám, vớ phải sách gì cũng đọc, từ bói toán cho đến Lão Tử, Thích Ca, nuôi ong, diệt mối...Bà xã  thấy ông chồng nghiền ngẫm pho sách dày cả ngàn trang thì kêu rêu: “Anh đọc cho lắm vào có khi dại chữ đấy”.  Cuối năm 2009 quê Bu thành lập tỉnh hội Phật giáo, bạn bè cùng lứa  nhiều anh đầu đơn làm Phật tử, gặp nhau thì chấp tay lại niệm Nam mô A Di Đà Phật. Các phật tử đến nhà chơi toàn nói những Ngũ giới, Tứ Diệu đế, Lục hòa, Bát Chánh đạo, Thập nhị nhân duyên...Bu được cái khôn nhà dại chợ, bạn bè đến thì hưởng ứng, huyên thuyên mọi thứ chuyện trên đời, chứ họ rủ làm Phật tử thì nhất định từ chối với lí lẽ: Đến chùa tụng niệm A Di Đà Phật mà không biết ông ấy con cái nhà ai,  trích ngang trích dọc ra sao thì tớ không vào. Ấy thế mà có hôm đang ngủ thụi vào lưng bà xã rồi hô lên: Bi Hoa, Bi Hoa. Bà xã thất kinh hồn vía dựng dậy tra khảo Bi Hoa là ai hả, anh nói đi. À, à, Bi Hoa là tên quyển kinh Phật, anh thấy mình dạo mãi trong nhà sách Vũng Tàu hỏi mua mà cô bán hàng không nói có chẳng nói không. Cáu quá vung tay hét lên cho bỏ tức.  Sau vụ đó bà xã vào Sài Gòn thăm cháu nội, rồi về Vũng Tàu thăm cháu ngoại mãi đến tối 30 tết mới về đến nhà.  Nam ra, bà mang về vô số quà cáp của con trai, con gái, của bạn bè. Bà bảo: còn hai thứ này em mua, cái này ở Huế, đấy là một cái hộp các tông dài gần hai mét, bên trong là bông hóa học, trong nữa là cây hoa phong lan Vanđa màu đỏ thắm.  Nàng lại nâng lên một gói nặng rồi bảo: Đây là giấc mơ của ông dại chữ, mở ra là quyển kinh Bi Hoa và kinh Vô lượng thọ của nhà Phật. Thế là năm nay Bu tui có 3 lần tết: Bà xã về kịp tối ba mươi, được nhìn thấy bộ kinh Bi Hoa và kinh Vô lượng thọ, được chưng bày cây phong lan Vanđa có hoa đỏ thắm trong vườn nhà,  chắc chắn nó còn ra hoa dài dài trong những mùa xuân sau ....

                                              Phong lan Van đa đỏ (bà xã mua ở Huế)

                                                   Kinh Bi Hoa (bà xã mua ở Vũng Tàu)

                                            Kinh  Vô lượng thọ ( một nữ tu ở Huế gửi tặng)
Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 16 tháng 2, 2010

PHỐ NGHÈO SÁNG 27 TẾT

Vui như tết mà cũng buồn như tết, ấy là sắp giao thừa đến nơi mà lủi thủi một mình.  5 giờ sáng 27 tết không biết làm gì, Bu bèn rủ ông bạn hàng xóm Ruchung vốn mê chụp ảnh ra chợ, rồi cùng  tản bộ bên bờ sông Nhật Lệ xem thử nhân tình ra sao.

  

           Chợ đông đúc kẻ bán người mua, ai ai cũng tất bật hối hả

 

 Cây sung cạnh chợ vốn là người bạn thủy chung của người Đồng Hới sáng rực ánh đèn.

 

 Tượng bà Suốt hướng  về phía chợ, bà làm anh hùng chứ không ngồi bán cá như thời xưa

                      Cầu Nhật Lệ không bóng người qua lại

                  Mặt trời  đã nhìn nghiêng từ phía  Bảo Ninh

                 ....Và Bu một bên Nhật lệ một bên

 

 ....Người không quen biết hình như có cùng tâm trạng 

 

Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2010

ĐÓN TẾT CON HỔ

 

Trước tết bụng bảo dạ năm nay chẳng làm gì cả, con cháu ở xa  bày biện chi cho mệt. Nhưng rồi tết cứ như rượu ngấm say, không ngồi yên một chỗ xem thiên hạ hớt hơ hớt hải sắm sắm mua mua được.

         Thế là gọi thợ về vá víu dãy lan can rỉ thủng

  

             Lại thuê người sơn cổng, sơn tường rào

 

   Rồi thả thêm vài con cá vàng làm bạn cùng hoa súng

 

          Chỉnh sửa mấy chậu phong lan vườn nhà

 

 

Cuối cùng mang máy ảnh ra chợ hoa ghi vội vài kiểu nhân ngày tiễn ông Táo 

 

 

  

Nói gì thì nói, ngày mai 24 tháng chạp bà xã  bay vào Nam thăm cháu nội cháu ngoại cho đến tối 30 mới về.  Cơm ngày 3 bữa tự lo lấy, đêm co ro một mình. Ai cũng bảo xa vợ được tự do. Ừ thì được cái này lại mất cái khác.... hehehe

 

Đọc tiếp ...