Thứ Ba, 15 tháng 2, 2011

"BẤT NGHĨA SƠN" - NỖI OAN CỦA NÚI THẦN ĐINH !

                      Núi Thần Đinh nhìn từ bờ bắc sông Long Đại

                         Phế tích chùa Kim Phong (chùa Non)

 

                                         Đức tin

 

                   Đường lên đỉnh núi Thần Đinh theo dự án khôi phục

                            các công trình tâm linh của tỉnh Quảng Bình 

 

 

"Bất Nghĩa Sơn" - núi Bất Nghĩa - là tên gọi khác của núi Thần Đinh được Dương Văn An (1513-?)  ghi trong Sách Ô Châu cận lục: "Núi Thần Đinh tại xứ Rào Đá, huyện Khang Lộc. Tục truyền khi vua Lê chinh phạt Chiêm Thành, đã sai lực sĩ quật đánh núi này, gọi  là núi Bất Nghĩa. Bởi vì tất cả các núi đều hướng về phía tây, riêng núi này quay lưng lại" (1). Sau đó Lê Quý Đôn (1726-1784) viết sách Phủ biên tạp lục (PBTL) lại chép theo Dương Văn An và bỏ đi hai chữ tục truyền, thành ra: "Núi Thần Đinh ở huyện khang Lộc, xứ Thạch Giang (Rào Đá), các núi khác đều hướng về phía tây nam, riêng núi này lại hướng trái đi, cho nên còn gọi là núi Bất Nghĩa" (2). Tiếp theo, Phan Huy Chú (1782-1840) viết Lịch triều hiến chương loại chí (LTHCLC) cũng  dựa  theo sách Ô Châu và giản lược đi hai chữ tục tuyền: "Núi Thần Đinh ở xứ Tả Giang huyện Khang Lộc. Các núi đều hướng về phía tây, chỉ có một núi này quay lưng lại, cho nên lại gọi là núi Bất Nghĩa" (3). Đến trước năm 1875 Quốc sử quán triều Nguyễn cho ra đời bộ sách đồ sộ Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC) cũng nói về núi Thần Đinh như PBTL và LTHCLC. "Núi Thần Đinh ở cách huyện Khang Lộc 20 dặm về phía nam, núi đá chót vót, các núi đều hướng về phía tây duy núi này hướng về phía nam nên lại có tên là núi Bất Nghĩa" (4).Vậy là, từ chỗ Dương Văn An chỉ cho là “tục truyền”, thì các nhà sử học sau ông giản lược hai chữ đó đi,  mặc nhiên  khẳng định núi Thần Đinh còn có tên là núi Bất Nghĩa. Cứ đà này, khi dự án "Khu di tích danh thắng núi Thần Đinh" (5) thành tựu, khách trong nước, khách nước ngoài đến chiêm bái hẳn được nghe thuyết minh: "Núi Thần Đinh cùng với Chùa Kim Phong trên độ cao 342 mét là một di tích và danh thắng của miền trung được sử sách nhắc đến. Núi này còn có tên là núi Bất Nghĩa" !! Với người phương đông mà học thuyết Nho Giáo ngấm vào xương tuỷ và "di truyền" cho đến ngày nay  thì: "Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín" là những chuẩn mực đạo đức bất di bất dịch. Nghĩa, hiểu ngắn gọn là điều hợp với lẽ phải, làm khuôn phép cho cách xử thế của con người trong xã hội. Người bất nghĩa là người  hành động không hợp đạo lý, bất chấp lẻ phải. Con người ấy sẽ bị người đời khinh miệt nguyền rủa.Vậy một ngọn núi  sắp trở thành điểm du lịch của xứ sở mang tên núi Bất Nghĩa hẳn là gây phản cảm cho du khách đến chiêm bái. Dưới đây chúng tôi xin được bàn góp đôi lời. 

 1- "Tín tận thư bất như vô thư"

Câu nói đó của ông Mạnh Tử, có nghĩa rằng: Tin sách một cách mù quáng, máy móc thì coi như chẳng đọc gì cả. Với sách Ô Châu cận lục thì lời khuyên trên càng xác đáng. Bởi chính Dương Văn An  đã nói trong lời tựa sách Ô Châu: "Đến năm quý sửu (1553) về nhà cư tang, nhân đọc khắp tác phẩm, đương thời có hai nho sĩ cùng quê đã chia nhau chép hai tập sách về hai phủ Tân Bình, Triệu Phong...tôi vui mừng được đọc các tập này, khảo thêm tín sử, tham bác lời khẩu truyền, chỗ rườm rà thì bỏ bớt, chỗ sơ lược thì bổ sung, gọi tên là Ô Châu Cận Lục cũng là chỉ muốn để tham khảo cho mình vậy" (6). Ông Trần Đại Vinh người tham gia hiệu đính và dịch chú sách Ô Châu có ghi lại ý kiến của nhà thư tịch học Trần văn Giáp: "Hiện tại ta còn có hai văn bản Ô Châu Cận Lục, nhưng đều bị biên chép sai lầm, sửa chữa tứ tung, và do đó bản chất đúng đắn của nó bị mất hẳn. Tuy vậy trong điều kiện hiếm tài liệu cổ, nó vẫn là sách có ích cho sự khảo cứu, nhất là khảo cứu các tỉnh miền Nam"(7). Vậy là cụ Mạnh tử nói chí phải, sách để chỉ tham chiếu chứ không phải là để tin tuyệt đối. Các nhà sử học sau Dương Văn An quá tin vào sách Ô Châu cận lục, làm cho nhiều thế hệ người đọc ngộ nhận về tên một địa danh Văn hóa ở miền trung.  

2-  "Tất cả các núi đều hướng về phía tây riêng núi này quay lưng lại" như sách Ô Châu viết là không chính xác.    

   Xem trên bản đồ địa hình Việt Nam thấy rõ dãy Trường Sơn từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên Huế là một khối thống nhất của những dị biệt. Thống nhất là chạy theo hướng  tây bắc đến  đông nam. Dị biệt là nhiều dãy trong khối núi đó chạy theo nhiều hướng khác nhau. Núi non ở xã Trường Xuân  huyện Quảng Ninh Quảng Bình cũng nằm trong đặc tính chung đó. Cụ thể là Lèn Đông (nét ngang của chữ đinh) theo hướng bắc nam, nét dọc của chữ đinh (trên đỉnh có chùa Kim Phong) theo hướng đông bắc, lèn Khe Ngang cũng theo hướng đông bắc là hướng bị cho là bất nghĩa. Lại tạm cho là có một ông vua Lê dẫn bộ binh đi chinh phạt Chiêm Thành  qua vùng núi Thần Đinh. Vậy thì đoàn quân ấy tất phải đi qua Hoành Sơn (Đèo Ngang): "Ở cách huyện Bình Chánh 42 dặm ...một dãy núi từ xa ở phía tây dăng dài mà đến, ngọn chỏm chồng chất, kéo ngang ra đến biển..."(8). Lại phải vượt qua: "Núi Động Man ở cách Huyện Bố Trạch 20 dặm về phía bắc, chân núi có khe chảy về bắc vào sông Đặng Đề, núi phiá đông kề biển, đá núi dựng đứng trên bờ, tục gọi Đá Nhảy"(9). Và cứ theo cách quy kết của nhà vua nọ thì  hai dãy Hoành Sơn và Động Man nói trên không chỉ can tội bất nghĩa mà còn đến mức là phản loạn, vì cả gan chạy ra tận biển đông. Vậy chả nhẽ ông vua Lê nọ có tư thù gì với núi Thần Đinh ?

3- Ông vua Lê nào đích thân cầm quân đi chinh phạt Chiêm Thành ?

   Theo Việt Nam sử lược (10) Lịch sử nước ta có hai dòng nhà Lê nhưng lại chia ra ba thời kỳ trị vì. Nhà Tiền Lê (980-1009) khởi đầu là Lê Đại Hành. Nhà Lê (1428-1788) khởi đầu là Lê Lợi. Nhà Hậu Lê (hậu duệ Lê Lợi 1553-1788) được tính từ Lê Trang Tông. Tổng cộng cả hai dòng có đến 27 ông vua Lê, và gần như cả 27 đời vua ấy ít nhiều đều có đụng độ với Chiêm Thành. Nhưng duy nhất  chỉ có vua Lê Thánh Tông đích thân cầm quân chinh phạt Chiêm Thành tại kinh đô của họ. Lý do chinh phạt được nhà vua nói rất kỹ  trong tờ chiếu khá dài viết ngày canh thìn mùng 6 tháng 11 năm canh dần (1470) (11). Trong đó vua kê tội  Trà Toàn (vua Chiêm Thành): "...Xua quân tiến đánh Hoá Châu, giết quân đồn thú, ton hót với Yên Kinh rằng Đại Việt đang chuẩn bị đại binh thôn tính nhà Minh..." Cũng ngày canh thìn mùng 6 tháng 11 năm canh dần ấy, vua lệnh cho Chinh lỗ tướng quân Lân quận công Đinh Liệt, phó tướng Kỳ quận công Lê Niệm đem 10 vạn thuỷ quân đi trước. Tiếp đến, ngày canh dần 16 tháng 11 (1470) nhà vua đích thân dẫn 15 vạn thuỷ quân lên đường (12). Đoàn thuỷ quân hùng hậu ấy không ghé vào cửa Gianh, không ghé vào cửa Nhật Lệ của Quảng Bình mà chỉ dừng lại ở Thuận Hoá để tập trận và cho người đi vẽ bản đồ Chiêm Thành. Vậy thì làm sao có chuyện nhà vua  cho lực sĩ quật  đánh vào núi Thần Đinh nằm cách cửa Nhật Lệ đến 30 cây số ?  Cũng cần nói thêm rằng, Lê Thánh tông là một đấng anh quân. Sau 38 năm làm vua ông đã để lại nhiều nét son chói lọi trong lịch sử văn hoá dân tộc. Bộ luật Hồng Đức dưới thời ông là một tiến bộ vượt bậc so với nhiều triều đại khác. Là một anh hùng dân tộc, ông còn là một nhà văn hoá lớn, một thi sĩ lỗi lạc. Ông đặt ra Thiền uyển cửu ca và tự mình làm Tao đàn nguyên suý. Lòng nhân ái của vua Lê Thánh Tông trở thành giai thoại truyền đời. Trong tờ chiếu khởi binh ông kể tội Trà Toàn với lời lẽ rất đanh thép. Nhưng khi bắt sống được y, nhà vua lại  hết lòng khoan dung. Ông nói với Trà Toàn  " Trong đám gươm giáo, ta sợ ngươi bị hại, nay may mà còn sống đến đây, ta thực yên  lòng"(13). Khi thấy các quan dẫn Trà Toàn đi gấp, nhà vua bảo: "Đưa đi thong thả thôi, người ta là vua của một nước sao lại bức nhau đến như vậy"(14). Một ông vua nhân ái đến mức ấy dẫu có hành quân bằng đường bộ qua núi Thần Đinh cũng không bao giờ làm một việc thô bạo, không bình thường, là cho lực sĩ quật đánh vào núi và gọi nó là núi Bất Nghiã .

4- Lòng dân đối với núi Thần Đinh.   

   Tên gọi núi Thần Đinh có từ bao giờ cho đến nay chưa ai nói chắc được. Có thể đấy là cách đặt tên của dân gian, vì ở đấy có hai dãy lèn đá tạo thành một nét ngang và một nét dọc thành ra chữ chữ đinh. Cũng có thể do một triều vua nào đó phong tặng mà ngày nay chúng ta thiếu sử liệu để khẳng định. Nhưng dẫu cách nào thì chữ Thần cũng đủ nói lên lòng tôn kính và ngưỡng mộ của người dân  nơi có núi Thần Đinh toạ lạc. Thiên thần và nhân thần ở nước ta có nhiều, riêng núi được gọi là thần chỉ có bốn trường hợp, đó là núi Thần Đẩu ở Tam Điệp Ninh Bình, núi Thần Vũ ở chỗ giáp giới giữa Huyện Diễn Châu và huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An, núi Thần Quy ở Phước Bình Đồng Nai, nơi sông Đồng Nai chảy vào Biên Hoà. Cuối cùng là núi Thần Đinh ở xã Trường Xuân, Quảng Ninh, Quảng Bình. Và hình như tên gọi núi Bất Nghĩa cũng chỉ có trong vài bộ sử đã dẫn ở trên,  chứ dân gian  không ai biết tới hoặc có biết cũng không mấy quan tâm. "Phép vua thua lệ làng", phép vua  bảo là núi Bất Nghĩa thì lệ làng vẫn cứ gọi là núi Thần Đinh. Không chỉ thế, cách nay gần 200 năm, nhân dân quanh vùng góp công góp của xây dựng trên đỉnh núi một ngôi chùa gọi là chùa Kim Phong (dân địa phương gọi là Chùa Non). Ngày nay chùa Kim Phong chỉ còn là phế tích nhưng "Khu di tích danh thắng núi Thần Đinh" đang là một hiện  thực sắp thành tựu. Đường lên chùa Kim Phong do công ty Tư vấn  Xây dựng Trường Sơn thiết kế đang được thi công, mở đầu cho việc xây dựng toàn bộ khu di tích danh thắng. Đấy là hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn di sản văn hoá và mặc nhiên góp phần hoá giải nổi oan gần  năm trăm năm nay cho núi Thần Đinh. 

                                                                                       

(1) Trang 21 sách Ô Châu cận lục NXB Thuận Hoá 2001

(2) Trang 94 sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn. Tập1, NXB KHXH 1997

(3) Trang 192 sách Lịch triều hiến chương loại chí tập 1 của Phan Huy Chú. NXB KHXH 1992

(4) Trang 16, sách Đại Nam nhất thống chí, tập 2 của Quốc sử quán triều Nguyễn. NXB Thuận Hoá 1992

(5) Ngày 18.8.2004 UBND tỉnh QB đã có QĐ 2514 v/v xếp hạng khu di tích danh thắng núi Thần Đinh. Ngày  24.11.2004 UBND huyện QN ra QĐ907v/v phê duyệt nhiệm vụ Khảo sát và lập quy hoạch chi tiết khu di tích danh thắng núi Thần Đinh.

(6),(7) Trang 16 và 6, sách Ô Châu cận lục, NXB Thuận Hoá 2001

(8),(9) Trang 26, và 22 sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, tập 2,  NXB Thuận Hoá 1992

(10) Của Trần Trọng Kim NXB VHTT 1999

(11), (12) Trang 445 sách Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, NXB KHXH 1998

(13),(14)Trang 450 sách Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, NXB KHXH 1998

Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 6 tháng 2, 2011

NGÀY XUÂN NÓI CHUYỆN CHƠI THƠ

                          Bu lu khin chơi ...Bà Nà


Ngày nay người ta thường chơi thơ vào  dịp tết đến xuân sang với nhiều kiểu:  Treo cờ thơ, bình thơ, thả thơ bay lên trời, chép thơ vào hình tròn, hình vuông, hứng lên chép cả vào thúng mủng rổ rá mang đi triển lãm. Riêng ông Phạm Mạnh Danh (1) cách nay hơn nửa thế kỉ có kiểu chơi thơ độc nhất vô nhị mà không mấy ai theo được.  Kể như ở Việt Nam, ông là thủy tổ của nghệ thuật sắp đặt, không sắp đặt đồ vật mà sắp  đặt thơ. Xin giới thiệu  sau đây 2  trong rất nhiều kiểu chơi của ông Phạm Mạnh Danh để quý vị thưởng thức.


Kiểu 1. Rút bốn câu thơ (chữ Hán đã phiên âm) trong bốn tác phẩm khác nhau của  Tàu, ghép lại có một bài thơ tứ tuyệt đủ niêm luật, dịch ra sẽ có bốn câu trong truyện Kiều.
1.a
Lưu thù dư tình bổ hóa công  ( rút trong Liễu Trai)
Hồng nhan lưu lạc hận nan cùng ( rút trong Bách Mỹ)
Sinh tiền cá cá thuyết ân ái  (rút trong Kim Cổ kì quan)
Mạnh lý vô thời tổng thị khô (rút trong Thăng Bình truyện)
Dịch
Phụ phàng chi mấy hóa công
Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha
Sống làm vợ khắp người ta
Hại thay chết xuống làm ma không chồng.
1.b
Quế luân tà chiếu phấn lâu không.  (rút trong Tình sử)
Thủy tế, hoa gian ảnh đạm nùng.   (rút trong Trụ Xuân Viên)
Trù tướng đông lân thiên thụ tuyết  (rút trong Thi Lâm)
Hải đường khai tận nhất đình hồng  (rút trong Đường thi)
Dịch
Gương Nga chênh chếch dòm song
Vàng gieo ngấn nước, cây lồng bóng sân.
Hải đường lả ngọn đông lân
Hạt sương trĩu nặng, cành xuân la đà
1.c
Thùy gia tiêu tức đậu đông phong  (rút trong  Tình sử)
Khứ khứ ly ly tổng tụy dung   (rút trong Ỷ Lâu mộng)
Liệu đắc kim sinh vô ngã phận ( rút trongTái sinh duyên)
Lai sinh hoặc giả ký trùng phùng  (rút trongTái sinh duyên)
Dịch
Vì ai ngăn đón gió đông
Thiệt lòng khi ở đau lòng khi đi
Trùng phùng hù dọa có khi
Thân này thôi có còn gì mà mong
1.d
Nhất niên xuân sự đáo trà mi  (rút trong Đường thi)
Dĩ bị du phong thám đắc tri    (rút trong Thi lâm)
Nhuyễn ngọc ôn hương thùy vị tích   (rút trong Ỷ Lâu mộng)
Hối giao vũ đố dữ phong xuy  (rút trong Hồng Lâu mộng)
Dịch
Tiếc thay một đóa trà mi
Con ong đã tỏ đường đi lối về
Một cơn mưa gió nặng nề
Thương gì đến ngọc tiếc gì đến hương.
Kiểu 2. Chọn nguyên một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt trong sách Tàu (có chua rõ tên bài thơ, tên tác giả,  tên sách) sau khi dịch ra có bốn câu thơ Nôm của bốn tác phẩm khác nhau.
2.a
ĐỀ TÍCH SỞ KIẾN XỨ    (Thơ của Thôi Hộ, Đường thi)
Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong
Dịch
Lét trong cửa tía mây trùng  (rút trong tác phẩm Ngọc hoa)
Vẻ hồng kia với má hồng đua tươi  (rút trong Ngọc kiều lê)
Trông theo nay chẳng thấy người  (rút trong Chinh phụ ngâm)
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông (rút trongThúy Kiều)
2.b
XÍCH BÍCH HOÀI CỔ    (Thơ của Đỗ Mục, Đường thi)
Chiết kích tầm sa thiết vị tiêu
Tự tương ma tẩy nhận tiền triều
Đông phong bất dữ Chu Lang tiện
Đồng Tước xuân thâm tỏa nhị kiều
Dịch
Đá hoa sẵn, nhạc vàng treo   (trong tác phẩm Bích câu kỳ ngộ)
Nhìn xem dấu cũ ra chiều hoài nhân (trong tác phảm nữ Tú tài)
Gió đông chẳng đoái vừn xuân (trong tác phẩm Lục Vân Tiên)
Một nền Đồng Tước khóa xuân hai Kiều (trong tác phẩm Thúy Kiều)
2.c
ĐỀ HOA CÚC (thơ của Đặng Thị, Tình sử)
Lương công diệu thủ ổn an bài
Bút để di lai chi thượng tài
Lục diệp hoàng hoa trường tự mỵ
Đằng nhân bất hứa điệp phonh lai
Dịch
Bức tranh ai khéo vẽ vời   (trong tác phẩm Bướm Hoa)
Phẩm đề xin một vài nhời thêm hoa  ( trong tác phẩm Thúy Kiều)
Rõ ràng xanh lá đỏ hoa   (trong tác phẩm Tống Trân)
Tường đông bướm lại ong qua mặc lòng (trong tác phẩm Hoa Tiên)
-------------
(1) Tác giả sách Bút hoa thi thảo, xuất bản tại Nam Định 1942
 
                                   Người không quen biết
Đọc tiếp ...