Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2011

ĐÔI ĐIỀU VỚI ĐỘNG PHONG NHA

 

                              Cửa động Phong Nha (nhìn từ trong ra)

                                         

                                    Đền Tiên sư Tự Cốc (thờ bài vị thần động)

                                 

 

                     Bức hoành Tiên Sư Tự Cốc (Chữ tiên viết sai)

                                      

                

           

Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng rộng những 200.000 ha chứa trong lòng nó một hệ thống 300 hang động lớn nhỏ.  Nhưng có lẽ hấp dẫn du khách vẫn là sông Son, sông Chày, cùng muôn trùng kì ảo của hang Cung Đình, Hang Tiên, Động Tiên Sơn... Ngày nay du khách trở lại Phong Nha - Kẻ Bàng đã thấy nhiều nét mới: Bến thuyền rộng có nhiều bậc cấp, nhà bán vé mái tròn, đền thờ thần động có tên Tiên Sư Tự Cốc, con đường 400 bậc đưa du khách lên cao 120 mét để thưởng ngoạn động Tiên Sơn...Nhưng sau khi chiêm bái bài vị “Diệu Ứng  Chi Thần” trong đền Tiên Sư Tự Cốc, đọc hết các chữ ta chữ Tàu trong khu vực động, lắng nghe các hướng dẫn viên du lịch thuyết minh về vẻ đẹp hang động , tôi xin có vài suy nghĩ về công tác quản lý một di tích và danh thắng tầm cỡ quốc gia và quốc tế này.

1- Nơi thắp hương cáo yết thần động.

Việc lập lại nơi thờ thần động Phong Nha là phù hợp với tâm linh người Việt. Du khách có chỗ thắp hương xin thần động được vào nơi ngài cai quản và phù hộ độ trì cho những điều tốt lành. Cách nay một thế kỷ, thủ tục thắp hương vô cùng thuận tiện vì dưới vòm hang có ba bàn thờ, du khách bước xuống thuyền là đến được nơi thắp hương. Ngày nay bàn thờ đặt trong đền Tiên Sư Tự Cốc trên đường lên động Tiên Sơn (động khô), cao hơn mặt nước sông Chày đến 30 mét.  Người lái thuyền gấp gáp đưa du khách vào động thật nhanh để tăng chuyến, tăng thu nhập, không bao giờ dừng thuyền lại cho mọi người làm thủ tục thắp hương.  Mà có dừng lại chăng nữa thì du khách ngước nhìn độ cao 30m với gần 200 bấc cấp cũng nản chí lắc đầu.  Vậy là du khách vào động Phong Nha có thể can các tội sau đây:

a- Với người chỉ vào động ướt (đi thuyền)  không  thắp hương  cáo yết thần động, nhập gia không tùy tục, can tội bất kính.

b- Với những người thăm động ướt xong lại lên động khô (Tiên Sơn) dừng lại thắp hương can tội “Tiền trảm hậu tấu”, tức là vào nhà người ta chán,  đến khi ra về mới xin phép chủ.

c- Với những người chỉ thăm động khô (Tiên Sơn) dừng lại thắp hương can tội “Dương đông kích tây”. Vì bài vị trong đền là của thần động ướt (đi thuyền).  Động Tiên Sơn (động khô) cho đến nay người ta chưa “bổ nhiệm” vị thần nào cai quản cả.

2- Tên gọi  “Tiên Sư Tự Cốc”

* Khi làm bức hoành “Tiên Sư Tự Cốc” và bài vị “Diệu Ứng Chi Thần”, các nhà quản lí di tích và danh thắng không dựa vào chính sử “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn, mà dựa váo bài viết của một du khách  có tên Trần Kinh trong quyển “Quảng Bình thắng trích lục” (1).Về động Phong Nha sách Đại Nam nhất thống chí viết: “ Động Thầy Tiên cách huyện Bố Trạch 40 dặm về phía tây, lại có tên là động Núi Thầy...theo dòng nước đi vào khoảng hơn 100 trượng thì địa thế mở rộng, có một đống cát trắng, trước kia có tượng đá như hình người tiên, người địa phương  phụng thờ ở đây, triều trước sắc phong Thần Hiển Linh, ban cấp cho đồ thờ,  chép vào điển thờ, sau trải qua binh cách bị bỏ đã lâu, đến năm Minh Mệnh thứ 5 (1824) gia phong làm Thần Ưng Diệu” (2).  Thế nhưng, không rõ ông Trần Kinh căn cứ vào sử liệu nào lại viết “Trước cửa động có một bàn thờ thần sắc phong “Diệu ứng chi thần” nên cũng có tên gọi là Tiên Sư Tự Cốc nữa” (3).  Ông Kinh đã nhầm Ưng Diệu ra Diệu Ứng. Diệu Ứng là nói về phẩm chất của một vị thần , còn Tiên Sư Tự Cốc là nói về bản thân hang đá thờ ông tiên,  hai khai niệm đó khác nhau một trời một vực, cớ sao ông Kinh lại dùng cụm từ  “nên cũng” để biến cái nọ thành cái kia ?

* Bức hoành bằng gỗ thiếp vàng chạm nổi 4 chữ Hán “Tiên Sư Tự Cốc”     (先 師 寺 谷) màu đen có nghĩa gì? Phải nói ngay rằng chữ tiên viết sai. Tiên ở đây chỉ ông tiên ( ) chứ không phải tiên ( ) trong đầu tiên, tiên phong như đã viết. Căn cứ vào 4 đại tự  kia,  phải dịch là: “Hang chùa (thờ) người thầy đầu tiên” nghe chẳng có nghĩa lý gì cả. Có lẽ người viết muốn nói “Chùa hang (thờ) thầy tiên”, và như vậy thì bốn chữ Hán phải là “Tiên Sư Cốc Tự” ( 師 谷 寺   ) chứ không phải “Tiên sư Tự Cốc”. Và xét cho cùng dùng chữ “tự” (chùa) không đúng. Chùa là công trình kiến trúc để thờ Phật, nhưng ở đây lại thờ thần tiên, hoàn toàn khác Phật.

3- Việc thuyết minh hang động  

* Cho đến nay, các hướng dẫn viên du khách ở động Phong Nha chưa có được một bản thuyết minh thống nhất và khoa học.  Các từ “hang” trong Hang Tiên,  Hang Cung Đình...  không phù hợp với tâm thức người Việt. Hang gợi lên một không gian chật hẹp, bẩn thỉu, như hang rắn, hang chuột. Một biệt thự dẫu có nguy nga tráng  lệ mà bọn trộm cướp ở người ta vẫn gọi đấy là hang ổ. Chuyện thần thoại người Việt đều nói Tiên ở động hoặc ở trên chín tầng mây chứ không ở hang, và cung đình là nơi vua ngự thì không thể gọi là Hang Cung Đình được.

*  Rất nhiều khối thạch nhủ tuyệt đẹp được các hướng dẫn viên mặc định cho một tên gọi. Chẳng hạn: “đây là mái tóc nàng tiên” trong khi một anh dân chài bảo là đầu con tôm hùm!  Anh nông dân làm vườn bảo giống quả mướp đắng !  Lại một khối thạch nhủ khác được cho là “Tượng Phật bà quan âm”,  trong khi du khách đạo Hồi nhìn giông giống ngài Mô ha mét sứ giả thánh Ala, anh ta không biết Phật bà quan âm là ai. Chưa nói du khách đứng ở một góc nhìn khác thì những mái tóc nàng tiên và Phật bà quan âm lại biến hóa ra một hình thù mới lạ, khác hẳn.

*  Giá trị lịch sử văn hóa của động Phong Nha gần như chưa được người thuyết minh đề cập tới.  Trong suốt 904 năm (192- 1096) người Chàm làm chủ vùng đất này và họ lưu giữ trong động nhiều kiệt tác điêu khắc. Sau năm 1096, người Đại Việt tiếp thu vùng đất phía nam Hoành Sơn, bảo tàng Phong Nha được bổ sung thêm tinh hoa văn hóa Việt. Nhiều nhà nghiên cứu cho hay:  “Bên phải lối vào động có một bàn thờ bằng gạch, trên bàn thờ có bức tượng bằng đá, hai chân xếp chéo, khăn quấn đầu che kín gáy” (4) “Tượng thần ngồi có 4 tay, hai tay dưới đặt trên gối , hai tay phía trên cầm cung và tên”... “ Tượng đức Phật Thích Ca ngồi trên tòa sen tỏa ánh hào quang, tay để trên ngực, nắm lại theo tư thế thiền và nhiều bài vị bằng đất nung với nhiều loại kích thước khác nhau” (5)...Thiết nghĩ các nhà quản lí di tích và danh thắng có kế hoạch  phục chế lại  những bức tượng trên để du khách không chỉ thưởng ngoạn vẻ đẹp của thạch nhũ mà còn hiểu biết thêm về lịch sử văn hóa của một vùng đất vốn được gọi là địa linh nhân kiệt thì hữu ích biết mấy. Đương nhiên, việc  xác định chính xác vị trí, hình khối, phong cách , niên đại những pho tượng trên cần đến những hội thảo khoa học tầm cỡ quốc gia và nguồn kinh phí xứng đáng. Tôi nghĩ đặt vấn đề này ra bây giờ không phải là quá sớm một khi Việt Nam đang là điểm đến của thiên niên kỉ mới. 

----------------------------------------------------- 

(1) Quảng Bình thắng trích lục của Trần Kinh và Nguyễn Kinh Chi, thư viện Quảng Bình xuất bản 1998

(2) Đại Nam nhất thống chí thời Tự Đức, tập 2 trang 32 NXB Thuận Hóa 1992

(3) Bài động Phong Nha, trang 56 tác giả Trần Kinh, sách Quàng Bình thắng trích lục

(4) MC Paris: Các công trình của người Chăm ở Trung kì trong BEFEO. Tập 1 trang 25-26 (Theo PTS Nguyễn Văn Mạnh TCNL 5-1997)      

(5) Finol et Goloubew: Fouile de Đại Hữu BEFEO tập XXV 1925 trang 469,475 (Theo PTS Nguyễn Văn Mạnh TCNL 5-1997)       

Đọc tiếp ...

Thứ Năm, 3 tháng 3, 2011

CHUYỆN CỨ NHƯ BỊA !!!!!

 

 

Chàng trai ấy có hình thù xấu xí, tả cái xấu cuả chàng thì không cùng. Chỉ biết là các bà mẹ khi dỗ con không nghe thì đưa chàng ra doạ. Đứa bé đang khóc nín ngay, đang mè nheo cái gì cũng thôi liền. Chàng sống độc thân trong mái nhà xiêu vẹo ở rìa làng, cạnh một cây đa cổ thụ. Sau những buổi cày thuê cuốc mướn chàng chỉ biết nằm khểnh, lấy tiếng gió xào xạc trên cành cây, tiếng cu gáy sau luỹ tre làng làm vui. Dân làng thương quý chàng, song không có cô gái nào chịu làm vợ một chàng trai xấu xí đến thế. Một buổi tối mưa gió gầm gào, nghe tiếng đập cửa, chàng ra mở thì thấy một người hành khất áo quần ướt đẫm xin ở tạm một đêm. Chàng trai đưa người hành khất vào cho ăn, lại đốt lửa cho sưởi. Đến lúc quan sát kỹ người khách không mời, chàng ta mới lóa mắt, một cô gái trẻ măng, đẹp như tiên sa nhưng lại mù cả hai mắt. Cô gái lưu lại nhà chàng mấy hôm. Khi chàng đi làm thì nàng ở nhà lo việc bếp núc dọn dẹp nhà cửa, chàng về là có cơm lành canh ngọt. Mấy lần người khách ướm lời ra đi nhưng xem ra dùng dằng cất bước. Còn chủ nhà thì rất sợ giây phút giả từ báu vật trời cho. Một hôm chàng chân thành nói lời tỏ tình, mong nàng nhận lời làm vợ, chàng hứa sẽ hết lòng yêu thương vợ như một người chồng tốt nhất trên đời...

Vợ chồng chàng trai sống với nhau rất tâm đầu ý hợp, người đẹp nội trợ, chàng trai lao dộng cật lực trong niềm hạnh phúc cứ như mơ. Thế rồi vợ ốm nặng, chàng trai dốc lòng thuốc thang. Chàng không tiếc một thứ gì để làm cho vợ khoẻ mạnh tươi vui. Ông thầy thuốc hàng ngày đến điều trị cho nàng một hôm đưa dụng cụ nhãn khoa ra khám và nói với người chồng: Vợ anh là một nhan sắc hiếm có, chỉ tiếc là đôi mắt không nhìn được, nếu anh đồng ý tôi sẽ chữa cho đôi mắt cô ấy sáng lại. Nghe thế chàng trai mừng như được một núi vàng, và lập tức buồn rầu lo lắng như chính cái núi vàng vừa được bổng nhiên tan biến. Nếu sáng mắt ra thì liệu nàng có chịu chung sống với người chồng xấu xí như ta nữa không. Câu hỏi đó cứ ngày đêm dày vò chàng. Ông thầy thuốc lại nhắc: Nội trong năm nay anh phải quyết định có chữa mắt cho vợ không. Còn nếu để sang năm, tình trạng bệnh tình xấu đi thì tôi không còn khả năng chữa được nữa. Cho đến nay chàng trai vẫn đang khổ sở suy nghĩ. Trả lời không với thầy thuốc thì có tội với vợ, là nuốt lời hứa. Trả lời có thì cuộc đời chàng cầm như tan nát.

      Chàng trai có lần hỏi ý kiến tôi, tôi chỉ khất lần, bảo là còn những 10 tháng nữa mới hết năm vội gì. Kỳ thực, tôi lúng túng không biết nên khuyên bảo chàng thế nào cho phải. Bảo từ chối lời đề nghị của thầy thuốc thì nhẫn tâm với người đẹp. Bảo chàng nhận lời thầy thuốc là làm tan nát cuộc đời anh ta. Bạn nào có cách gì hay giúp chàng trai trong cơn khó khăn ngặt nghèo này không??

 

 

Đọc tiếp ...