Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2015

NGHIỆT KÍNH ĐÀI


Kinh Chú đại bi

Một trang kinh Chú đại bi

Bu tui ở Hồ Suối Vàng Đà Lạt

Hồ Suối Vàng Đà Lạt


1-  Ông bạn Trần Luân rất thân  của bu ở trên Sài Gòn nguyên là một giáo viên dạy toán thuộc loại xuất sắc. Lúc mới về hưu Luân mở lò luyện thi, học trò chen nhau đến học. Đùng một cái Luân bỏ lò bỏ bệ xoay ra tìm hiểu đạo Phật. Luân gọi về Vũng Tàu bảo bu, ông tham mưu cho tui đọc sách chi trước sách  chi sau, chớ sách Phật giáo nhiều như cát biển tui hoa cả mắt. Bu bảo, ông đọc Đức Phật lịch sử của HW.SCHUMANN, do Trần Phương Lan dịch, thầy Thích Minh Châu giới thiệu.  Tiếp theo ông đọc Phật học tinh hoa của THU GIANG NGUYỄN DUY CẦN
  Mỗi lần Luân gọi về là bu nơm nớp sợ, sợ không trả lời nỗi những thắc mắc hóc hiểm của cậu ta. “Ông bu ơi tại sao Quán Thế Âm bồ tát trong kinh Bát Nhã có khi lại kêu là Quán Tự Tại” …“Này bu à, hóa ra Lục Tổ Huệ Năng là người Việt Nam chớ không phải người Tàu như ông nói” …Vụ quê quán thầy Huệ Năng chưa ngã ngũ thì trước tết Giáp ngọ Luân lại gọi đến, “Tui đọc đâu đó một bài nói về đạo Phật thấy có mấy chữ NGHIỆT KÍNH ĐÀI, là cái chi rứa ”.  Biết là khó nhá, nhưng bu chắc mẩm trong sáu quyển Phật  Quang Đại từ điển (gần 2400 trang của Linh Sơn, Đài Bắc)  thì gì  mà chẳng có,  hóa ra tìm nổ con mắt mà chịu thua. Mở sang Phật học từ điển (Đoàn Trung Còn), Từ điển Phật học (Chân Nguyên và Nguyễn Tường Bách), Từ điển Hoa Linh Thoại (mạng) và nhiều nhiều nữa ... cũng bó tay luôn. Mỗi lần Luân gọi đến đòi nợ thì bu đánh trống lảng, hoặc khất lần…May thay  mấy ngày  đầu tháng tư 2014 bu say sưa “ngâm cứu” CHÚ ĐẠI BI để tham gia “bình loạn” mật ngữ  “OM MA-NI PAD- ME HUM” (Án ma ni bát mê hồng) bên nhà PNH mới thở phào nhẹ nhõm, hihi… NGHIỆT KÍNH ĐÀI  đây rồi.
2-  Bu xin mở ngoặc nói vài dòng về CHÚ ĐẠI BI (để dẫn dắt đến Nghiệt kính đài) . Tên đầy đủ của nó là “Đại Bi Tâm Đà La Ni” của Quán Thế Âm bồ tát nói trước Phật Tổ, kinh gồm 84 câu 415 chữ Phạn được phiên âm ra Hán Việt, đọc lên nghe xủng xoảng như xe ben trút đá hộc. Bạn tò mò muốn biết thì bu xin dẫn ra ba câu đầu (1,2,3) và ba câu cuối (82,83,84)
     Câu 1: Nam mô hắc ra đát na đa ra dạ da                                                                 
     Câu 2: Nam mô a rị da                                                                               
     Câu3: Bà lô yết đế thước bát ra da                                                             
    ……….                                                                                                                 
     Câu 82: Mạn đà la                                                                                   
     Câu 83: Bạt đà da                                                                                                 
     Câu 84: Ta bà ha
    Theo hòa thượng Thích Tuyên Hóa (1918 – 1995, Tàu)  thì năm  1969  ông là nhà sư đầu tiên luận giải Chú Đại Bi ở Hoa Kỳ.  Như câu  số 3  “Bà lô yết đế thước bát ra da” ông giảng là “Quán Chiếu, quán sát   một cách rộng khắp và tự tại” (bu vắn tắt). Đấy cũng chính là ý nghĩa  danh hiệu Quán Thế Âm bồ tát, lắng nghe âm thanh ở cõi thế gian để cứu độ một cách tự tại.
3-Trước khi tiến hành chú giải 84 câu Chú Đại Bi  Hòa thượng Thích Tuyên Hóa  đọc một bài kệ thuyết minh ý nghĩa của thần chú:
Đại bi đại chú thông thiên địa                                                           
Nhất bách nhất thiên thập vương hoan                                                     
Đại từ đại bi năng khứ bệnh                                                                  
Nghiệt kính nhất chiếu biến cao huyền
Nghĩa  là:  Thần chú Đại Bi có công năng thông cả thiên đường thấu đến địa phủ.  Người nào thường trì niệm chú này mỗi ngày 108 biến, niệm 1000 ngày (khoảng 3 năm) như thế thì có thể chữa lành tất cả mọi tật bệnh.  Và làm cho đài gương chiếu tội sáng ngời ngời. (vắn tắt)
Riêng câu thứ tư “Nghiệt kính nhất chiếu biến cao huyền”  hòa thượng giải thích  “...Trong địa ngục có một đài gương báo tội gọi là NGHIỆT KÍNH ĐÀI. Nếu quý vị gây một nghiệp ác nào thì nghiệp ác ấy sẽ hiện rõ trong đài gương kia. Cũng giống như hình ảnh đang hiện ra trên màn ảnh xi nê vậy. Ví như một kẻ sát nhân thì trong gương báo tội ấy sẽ hiện lên cảnh hung thủ đang giết người. Nếu người ấy gây nghiệp trộm cắp, hay đốt phá nhà cửa thì trong Nghiệt Kính Đài sẽ hiện rõ cảnh tội đồ trộm cắp, đốt nhà…Còn nếu quý vị không gây tạo ác nghiệp thì chẳng có gì hiện ra trong trong kính đó cả.  Quý vị trì tụng thần Chú Đại Bi 108 biến mỗi ngày, liền trong 3 năm (khoảng 1000 ngày) thì những nghiệp ác quý vị gây ra trước đó trong Nghiệt Kính Đài được xóa sạch. Nơi địa ngục sẽ treo lên tấm bảng ghi rằng: “Người này đã từng trì tụng Chú Đại Bi, tội báo của người này đã được hóa giải toàn bộ”. Bấy giờ tất cả quỷ thần trong địa ngục đều cúi đầu lễ bái sùng kính người trì chú này như lễ bái sùng kính chư Phật trong ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai .                                                       
       Thần lực của Chú Đại Bi thật là không thể nghĩ bàn”

***

Ghi thêm:
Xong vụ  Nghiệt kính đài, Luân hoan hỉ mời bu thưởng thức  trà Ô Long và lai rai chuyện trên trời dưới đất.
Luân: Này bu, tưởng tượng có cái kính báo tội ấy đặt ở Hà Nội, thì hay nhỉ
Bu: Đặt  kính vừa xong thì bọn trùm cá mập cho đệ tử đập nát tan tành
Luân: Ừ nhỉ, không thế thì chúng nó chết hết à…
Bu: Ông yên chí, kính báo tội ấy vẫn đang hoạt động dưới địa phủ, nó rọi chiếu khắp nhân gian. Không chỉ đạo Phật, mà đạo Nho cũng nói “tiền lộ định tri thiên hữu nhãn”. Không ai thoát được lưới trời đâu. Đến như Thái Tử Tất Đạt Đa sau khi đã thành Phật Thích Ca còn phải chịu  chín lần quả báo nữa là…
Luân trố mắt: Hả…vụ Phật Thích Ca bị quả báo tui chưa nghe thầy nào giảng.
Bu: Mục Cữu Não (chín lần phiền muộn) trang 1173 của Phật Quang Đại từ điển có ghi chín lần Phật bị quả báo, nói hết thì dài quá, tui chỉ nói quả báo lần thứ hai cho ông nghe chơi thôi.
“ Đời trước Phật là một lãng nhân ăn chơi, từng dụ dỗ một dâm nữ là Lộc Tướng đến đến khu vườn nơi mà vị Phật Bích Chi tu đạo hằng ngày để hành lạc, xong rồi giết nàng Lộc Tướng mà gieo vạ cho Phật Bích Chi, cho nên đời này Phật phải chịu quả báo bị vu oan đã giết nàng Tôn Đà Lợi”
Cô vợ Luân chen vào bình: Quả báo thế là quá nhẹ, em cho là mạng đền mạng mới phải, luật pháp nhà Phật còn nương nhẹ ông Thích Ca quá.
Luân âu yếm nhìn vợ: Thì xử lý nội bộ mà em …


hihihi
Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

TRÀ MY


Đường Hồ chí Minh trong thời chiến


Đường Hồ Chí Minh nhánh tây hiện nay


Bu và bà xã (nguyên mẫu Kỹ sư Lân và Liên trong câu chuyện Trà My)


Ảnh minh họa



Sắp đến ngày 30.4, truyền hình đưa nhiều hình ảnh Thanh niên Xung phong trên mặt trận cầu đường thời đánh Mỹ.  Trong bu ùa về bao kỷ niệm của một thời... Trà My là câu chuyện đã xẩy ra với bu năm 1972 xin kể lại với các bạn


Liên về đến nhà thấy chồng ngồi bên mâm cơm đậy lồng bàn chăm chú đọc tạp chí “Xưa &Nay”.
- Anh cũng lạ, hết mê Thiền học lại say đắm Xưa & Nay. Thôi, mời học giả gấp sách cầm đũa cho em nhờ.
Liên giở lồng bàn.
- Em cũng cầm đũa bát cho anh vui, chứ đang no lắm. Trưa nay em đi kiểm tra vốn vay một hộ nghèo, đúng lúc bà  chủ nhà có giỗ. Cụ mời riết quá không từ chối được.
- Ừ, giỗ là cách người nay nhớ lại người xưa. Dẫu có nghèo đến mấy thì người Việt mình cũng nghiêm túc trong ngày cúng giỗ.
- Anh à, bà cụ vay vốn ngân hàng ấy tên lá Lý. Tằn tiện mấy tháng trời mới đủ tiền làm một bữa giỗ thật tươm tất cho cô con gái đi Thanh niên Xung phong hy sinh năm 1972. Tội nghiệp, cô bé ấy nằm xuống khi  tròn 19 tuổi. Thấy cụ vừa kể về con gái vừa nước mắt lưng tròng mà em không cầm được nước mắt. Em xin phép cụ thắp hương cho người đã khuất. Chao ôi, cô gái trong ảnh thờ sao mà xinh thế, cứ như một diễn viên điện ảnh. Bà cụ lập cập mở cái hộp gỗ lấy cho em xem mấy chéo dù pháo sáng trắng tinh  “chị xem, đây là kỷ vật cuối cùng của em nó nhờ bạn gái mang về tặng mẹ. Nếu trời cho em nó sống thì sức khỏe và cảnh  nhà tôi đâu đến nông nỗi này…mà chị yên tâm, có vay thì có trả”.
    Lân buông đũa từ lúc nào, ngồi lặng, đột ngột hỏi Liên:
- Thế em có hỏi bà cụ tên cô gái ấy không?.
- Dạ có, Yến. Đúng rồi, Trần thị Yến.
     Lân thảng thốt:
- Sao! tên là Yến, em có nhớ nhầm không đấy.

***

… Thuở ấy, Lân mới ra trường, tóc còn vương mùi hoa sữa trên đường Nguyễn Du Hà Nội, lòng  đầy ắp hoài bảo và mộng mơ. Tuy chưa đảng viên  nhưng Lân vẫn được cấp trên  bổ nhiệm làm xê trưởng một xê Thanh niên Xung phong đóng dưới chân đèo Đá Đỏ. Ngày về đơn vị nhận việc, Lân cuốc bộ một lèo ba ngày liền  ngót trăm cây số, từ thị xã lên đèo Đá Đỏ.  Đến suối Trà thì Lân đói meo và mệt lử.  Đang vục nước lên mặt lên cổ cho tỉnh táo thì chợt nghe trong lùm cây  bên kia suối vang lên một giọng nữ trong trẻo  “Em đi lên rừng cây xanh mở lối, em đi lên núi núi phải cúi đầu. Em đi bắc những nhịp cầu  nối những con đường Tổ quốc yêu thương, cho xe thẳng tới chiến trường…”  Lân lội sang bên kia bờ thì cũng đúng lúc cô gái vừa hát xuất hiện trước mặt. Một tay cô cầm con dao, tay kia xách bó môn nước xanh rờn. Tóc cô búi cao, trắng muốt mấy đóa trà my được cài rất khéo. Lân thực sự bị cô gái thu hút bởi dáng dấp thanh thoát trẻ trung, bởi khuôn mặt trái xoan, đôi mắt sáng dưới hàng mi cong..  Lân làm ra vẻ tỉnh khô:
-       Cô làm ơn cho hỏi đường về xê 3 còn mấy cây số nữa ạ.
-       Gần một cây số, mà anh có phải… là...
-       Là ai nào.
-       Là kỹ sư Hoàng Lân về làm xê trưởng xê 3 chúng em
-       A, sao cô biết tôi rõ thế
-       Dạ anh Lộ bí thư chi bộ xê 3 thông báo anh sẽ về đã ba hôm nay, và nhìn anh em đoán… không sai.
-       Vậy xin hỏi tên cô là gì nào.
-       Eo ơi, tên em xấu lắm, rồi thủ trưởng khắc biết. Bọn con gái xê em tên giống nhau: Ba sẵn sàng.
Nói rồi cô cười hồn nhiên, tiếng cười trong vắt như nước suối Trà vậy.
      Ba tháng ở xê 3, Lân được cấp trên khen là một chỉ huy kỹ thuật năng nổ, gan dạ. Ngoài công tác chuyên môn Lân còn là cây văn nghệ  của phong trào “tiếng hát át tiếng bom”. Bài thơ “Gặp gỡ” của Lân trên báo tường đơn vị được rất nhiều cô cậu chép vào sổ tay đọc thuộc.
Gặp em bên bờ suối
Chẳng biết họ tên gì
Mỗi bước chân em đi
Lá rừng xanh nghiêng nón
Anh nhờ hoa săn đón
Để dừng bước em qua
Em và hoa đứng lại
Suối rừng rộn lời ca
Gặp em rồi muốn hỏi
Tên gọi em là gì
Em mỉm cười chẳng nói
Anh gọi em Trà My
Trà My, em Trà My
Em lắc đầu chẳng phải
Tên em là cô gái
Mở đường cho xe đi
Thế nhưng trong một cuộc họp chi bộ, bí thư Trần Lộ đưa bài thơ Gặp gỡ ra mổ xẻ và lên án gay gắt. Nào là thơ sặc mùi tiểu tư sản, hình ảnh người chiến sĩ  Thanh niên Xung phong được thi vị hóa, xa rời thực tế. Trong khi các chiến sĩ giẫm lên chông gai bom đạn, giành giật từng đoạn đường với kẻ thù thì tác giả bảo mỗi bước chân em đi lá rừng xanh nghiêng nón.  Nào là bài thơ dựng lên một không khí bình yên giả tạo, một tình cảm bàng bạc, yếu đuối, làm giảm nghị lực chiến đấu của tuổi trẻ đơn vị ta. Tôi đề nghị Đoàn Thanh niên họp nghiêm khắc kiểm điểm tác giả, làm cho đồng chí ấy thấy được tính chất phản tuyên truyền của bài thơ Gặp gỡ. Cả xê 3 sợ khiếp vía, riêng cô Trà My mỗi lần gặp Lân ở chỗ đông người chỉ ý tứ gửi một ánh nhìn chia sẻ, đôi khi quay đi giấu một giọt nước mắt.
    Năm 1972 không lực Hoa Kì tăng cường đánh phá trên các tuyến đường  hòng chặn đứng tiếp tế của ta chi viện cho miền nam. Đèo Đá Đỏ  là một trọng điểm ác liệt, và xê 3 đã đổ nhiều máu xương. Một buổi trưa Lân họp các tổ trưởng giao nhiệm vụ mặt đường thì bí thư Trần Lộ nói,  đồng chí xê trưởng Hoàng Lân, bây giờ là 12 giờ trưa, đang là giờ cao điểm đánh phá, đề nghị  đồng chí để đến 2 giờ chiều hãy cho quân ra đường.  
Lân cứng rắn:
-  Công trường bộ và Tư lệnh binh trạm chỉ thị tôi đúng 5 giờ chiều nay bằng mọi giá phải thông xe toàn tuyến Đá Đỏ. Đấy là mệnh lệnh thép, không chấp hành là ra tòa án binh. Đồng chí điện xin cấp trên thay đổi giờ thông xe, tôi chấp hành ngay.
    Lộ im lặng bỏ đi và Lân lệnh cho quân cùng các phương tiện thi công ra mặt đường . Công việc hoàn thành tốt đẹp nhưng trên đường trở về lán, cả đơn vị bị một trận bom bi, một người hy sinh và một người  bị thương nặng .

***

Lân chạy cắt rừng để đến trạm xá công trường nhanh hơn. Trà My đang được các thầy thuốc truyền máu, người em trắng toát bông băng. Em còn tỉnh táo, mỉm cười khi Lân khổ sở ngồi xuống bên cạnh. Nắm tay em trong hai bàn tay của mình Lân nói như người hụt hơi…Trà My…em hiểu cho anh …Em hiểu anh mà…ở vào địa vị anh em cũng phải quyết định như thế…Thì đã có lần anh nói với quân Xê 3 chúng em, thắng Mỹ trên mặt trận cầu đường cũng phải đổ máu…Kìa, em có chết đâu mà anh khóc…Trà My lấy dưới gối lên một gói báo đã buộc dây cẩn thận đưa Lân, anh có dịp về thị xã công tác ghé đưa cho mẹ em mấy chéo dù pháo sáng này, địa chỉ em đã ghi  trên giấy. Chiều hôm sau, trạm xá định đưa Trà My lên tuyến trên nhưng sức khỏe em xấu đi đột ngột, bàn tay em trong tay Lân lạnh dần, lạnh dần …Yến quay lại nhìn Lân lần cuối rồi vĩnh viễn ra đi.  

***

Sau câu hỏi thảng thốt với Liên, Lân ngồi thừ ra, đôi mắt thất thần nhìn vào khoảng không và nói như kẻ mộng du,  Trà My…sau bi kịch đèo Đá Đỏ năm ấy, không hiểu sao người ta chuyển anh vào Đường 16, với nhữngVít Thù Lù, Làng Ho, Dốc Khỉ…anh phải nhờ bạn em đưa quà của em về cho mẹ…  Liên lo lắng lắc mạnh vai Lân, anh! anh làm sao thế, anh đang nói với Trà My nào vậy. Lân tỉnh ra, à Trà My là tên anh đặt cho Yến khi gặp cô ấy lần đầu ở suối Trà năm 1972. Suối ấy có rất nhiều hoa trà,  dân bản mới gọi suối Trà.  Anh nhớ như in  hôm ấy Yến tóc búi cao,  ngấn cổ trắng và hoa trà cài trên tóc cũng trắng, tất cả Yến như một đóa trà my tinh khiết, trắng trong. Mà Liên ạ, anh thấy mẹ Lý nói  đúng, có vay có trả. Với cuộc chiến này anh không có lỗi, thậm chí còn có công, nhưng với mẹ Lý anh vẫn mặc cảm là người vay, đúng hơn là người cướp đoạt nguồn hạnh phúc vô song của mẹ.  Anh đọc  lịch sử cổ kim đông tây nhưng lãng quên quá khứ do chính mình góp phần tạo nên.  Nhà Yến cách ta chưa đến 10 cây số mà anh đã  đi ngót một phần tư thế kỉ, và người đến đích trước lại là em, với công việc cho vay hộ nghèo …Liên reo lên, thôi em bàn thế này nhé, hôm nay là ngày giỗ của Yến, vợ chồng mình đưa hai con đến thăm mẹ Lý, bảo hai con có thêm một bà ngoại.  Mà...ừ nhỉ, tại sao em không phải là Yến con gái cưng của mẹ Lý chứ…Liên nhanh nhẩu mặc áo quần đẹp cho hai con,  chuẩn bị hương trầm, hoa quả. Liên rất vui nhưng trong đôi mắt lại  ngân ngấn nước. 
Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2015

TRỊNH CÔNG SƠN NỐI LINH THIÊNG VÀO ĐỜI











Nguyễn Quốc Túy còn là giáo viên môn võ Karate



Chú em bu hiện sống ở Đà Lạt, vốn là thạc sĩ vật lý chất rắn nhưng yêu văn chương, yêu nhạc, đặc biệt là nhạc Trịnh Công Sơn. Năm 2014 chú ấy dự thi viết “NhạcTrịnh trong tôi” do gia đình Trịnh Công Sơn kết hợp với báo Một Thế Giới tổ chức.  Bài viết “Trịnh Công Sơn, xin cho tôi” đạt một trong ba giải xuất sắc. Năm 2015 chú ấy lại dự thi  viết“Nhạc Trịnh trong tôi” với bài  “Trịnh Công Sơn, nối linh thiêng vào đời” và đạt một trong ba giải khuyến khích. Chú ấy tâm sự “em tâm đắc bài viết được giải khuyến khích này hơn bài năm ngoái được gải xuất sắc anh ạ”.  Bu giới thiệu cùng các bạn bài “Trịnh Công Sơn nối thiêng liêng vào đời” của tác giả Nguyễn Quốc Túy” (KenhKia.blogsot.com , facebook.com/quoctuydl)

*****

Con người là loài sinh vật tuyệt đối cô đơn trong vũ trụ này. Hắn sinh ra một mình, bước đi giữa đời một mình và cuối cùng qua bên kia thế giới cũng chỉ một mình. (Nguyễn Quốc Túy)

Chứng kiến những mất mát của người thân, những chết chóc đau thương trên quê hương đất nước do chiến tranh tàn khốc gây ra, Trịnh Công Sơn, với trái tim nhạy cảm của người nghệ sĩ, có lẽ là người hiểu rất rõ nỗi cô đơn của phận người và giá trị hàn gắn của tình yêu đồng loại. Buồn thay, nhân loại vô minh dường như vẫn đang từng ngày đánh mất dần thứ tình yêu thiêng liêng ấy. Trịnh Công Sơn buồn bã nhận ra "Nhân loại, mỗi ngày, đang cố bày biện những tiệm tạp hóa mới. Đóng thêm nhiều kệ hàng. Người ta bán đủ loại: đói kém, chết chóc, thù hận, nô lệ, vong thân...". Từ đó với trái tim không nguôi "yêu mọi người, cỏ cây, muôn loài", chàng nhạc sĩ tình nguyện dấn thân làm sứ giả nối vòng tay lớn, nối lại những yêu thương tưởng chừng đã rụng rơi đi nhiều trong trái tim người.

Vòng tay ấy khởi đầu từ người mẹ muôn vàn kính yêu và những người em ruột thịt thân thương trong gia đình, rồi vươn tới những bạn bè nhiều thế hệ, thuộc nhiều nghề nghiệp, sống ở nhiều vùng đất khác nhau. Họ hòa vào vòng tay chàng nhạc sĩ họ Trịnh một cách tự nguyện và đầy thiện chí cứ như đã thân nhau từ kiếp trước, nhóm nhạc do Trịnh Công Sơn lập ra cũng mang một cái tên thật gần gũi: Những Người Bạn.Tiếp theo thì đến lượt ai? Thử nghe chàng nhạc sĩ trần tình: "Tôi là đứa bé. Tôi là người bạn. Đôi khi tôi là người tình" (Tin vào niềm tuyệt vọng). Ra thế, Hoàng Phủ Ngọc Tường từng nhận định rằng, ngoài nhạc phản chiến, "Hầu hết thì giờ còn lại đã được Trịnh Công Sơn dành cho tình ca. Tình ca đã chiếm lĩnh gần như trọn vẹn sự nghiệp âm nhạc Trịnh Công Sơn (Tình ca Trịnh Công Sơn). Thế thì đối tượng tiếp theo trong vòng tay của Trịnh không ai khác mà chính là người tình. Nói cho cùng, một người tình lãng du không đi tìm người tình thì còn tìm ai.Trong tiếng réo rắt của cây đàn lyre, hãy dõi theo Trịnh Công Sơn đi đến với người tình.

Mở đầu thiên tình sử "Đóa hoa vô thường" ta đã bắt gặp chàng khăn gói đi tìm em, tìm rất chân thành và tha thiết: "Tìm trên non ngàn..., tìm đêm chưa từng, tìm ngày tinh khôi. Tìm lại trên sông những dấu hài..., tìm em xa gần", tìm tận "trong vô thường". Cũng chẳng cao sang gì, em ở đây chỉ "mình hạc xương mai" thôi, nhưng cũng như chàng Orpheus đi tìm nàng Eurydice tận địa ngục, Trịnh Công Sơn không hề ngã lòng: "Tìm trong sương hồng, trong chiều bạc mệnh. Trăng tàn nguyệt tận, chưa từng tuyệt vọng đâu em". Kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi thường rất ngọt ngào: "Bỗng tôi thấy em dưới chân cội nguồn", và đương nhiên câu chuyện tiếp theo phải là "tôi mời em về đêm gội mưa trong. Em ngồi bốn bề thơm ngát hương trầm" để "bốn mùa yêu nhau trong lẽ vô thường của trời đất".Đối diện với quá nhiều mất mát đau thương "người người yêu nhau đã mất nhau trong đời" (Còn có bao ngày), Trịnh Công Sơn luôn mang một nỗi thảng thốt thường trực về phận người để rồi khắc khoải mong "Bàn chân qua phố thấy người" (có một dòng sông đã qua đời", hay "Chờ từng sớm mai thấy lại mặt người" (Còn thấy mặt người). Ông khẩn thiết kêu gọi "Anh em trên khắp địa cầu hãy gần nhau" (Như tiếng thở dài) không ngoài mục đích để "dòng máu nối con tim đồng loại, dựng tình người trong ngày mới", thứ mà nhân loại đang rất cần để cứu chuộc thân phận, cứu chuộc thế giới.

Vòng tay lớn không chỉ kết nối giữa những con người, trái tim người Nghệ sĩ còn mang một tình yêu bao la với thiên nhiên cây cỏ: "Tôi yêu mọi người, cỏ cây muôn loài" (Tự tình khúc). Trịnh Công Sơn từng thổ lộ "Tôi vẫn còn ham mê học hỏi quanh mình và còn đủ hào hứng mở ra những cuộc đối thoại, độc thoại với cây cỏ thiên nhiên,...Tôi là người tình của thiên nhiên" (Phác thảo chân dung tôi). Trong rất nhiều bài hát của mình, Trịnh Công Sơn xem vạn vật như những người bạn, người tình thân thiết. Đối với Trịnh, "góc phố nào cũng thấy quê nhà..., màu hoa lá quen như mặt người" (Tình yêu tìm thấy). Vì thế ông hết lòng "tạ ơn hoa sáng thơm cho mẹ, tạ ơn chim chiều hót cho cha" (Có nghe đời nghiêng). Không chỉ đi tìm em, Trịnh còn đi "tìm hạt bụi bay trong cuộc đời" (Môi hồng đào), ông khuyên mọi người hãy yêu nhau không chỉ để cho những người tình có nơi nương náu bình an trong trái tim của nhau mà còn để "cho gạch đá có tin vui" (Hãy yêu nhau đi).Trong "Để bắt đầu một hồi ức", Trịnh Công Sơn viết: "Tôi yêu cuộc đời và cuộc đời cũng đã yêu tôi". Quả nhiên, không phụ lòng người, đến lượt mình thiên nhiên cây cỏ cũng dang tay bầu bạn với Trịnh, với em: "Đông sang khoác vai tôi những ngày vui" (Môi hồng đào), "Ngày mai em đi biển nhớ tên em gọi về..., ngày mai em đi đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ, sỏi đá trông em từng giờ" (Biển nhớ), "Bao đường phố em qua nắng lên đứng chờ, đường dìu chân em đi..., cây trái níu chân về" (Tuổi đời mênh mông)...

Thiền Phật giáo quan niệm rằng vạn vật đều có phật tính, là người tiếp xúc với giáo lí nhà Phật từ sớm Trịnh Công Sơn hẳn thấm nhuần điều này. Vì thế, không có gì lạ khi thế giới vạn vật trong nhạc Trịnh cũng xôn xao như con người, cũng khát khao "xin cho về trọ gần nhau" (Ở trọ). Trong vòng tay nghìn trùng ấy, ta thấy có rừng núi giang tay với biển, có đêm vui đợi ngày, có thành phố tìm đến thôn xa, có "Dòng sông nối đôi tay liền với biển khơi" (Bốn mùa thay lá)... Dường như thế giới loài người và vạn vật trong nhạc Trịnh Công Sơn hòa quyện với nhau rất khó mà tách bạch. Hát Trịnh Công Sơn đôi khi ta chợt giật mình không biết đâu là cuộc tình giữa tôi với em, giữa tôi với vạn vật hay giữa vạn vật sỏi đá với nhau. Đây là hẹn hò giữa mưa với hoa: "Những giọt mưa, những nụ hoa hẹn hò gặp nhau trước sân nhà" (Bốn mùa thay lá); đây là cuộc tình rất khẽ giữa sương với phố: "Đêm bước về thật nhẹ, sương khoác mềm vai phố" (Hôm nay tôi nghe); còn đây là khắc khoải giữa thềm đá với mưa: "Thềm đá nằm thềm đá nghe mưa" (Có nghe đời nghiêng)...Thế đấy, ngày sau ngay cả "sỏi đá cũng cần có nhau" (Diễm xưa) thì không lẽ những con tim đồng loại trong thế giới loài người lại không thể hòa chung một dòng máu mà "lại gần, gần lại với nhau, ngồi gần nhau hơn" (Lại gần với nhau).

Thực ra, thế giới vốn dĩ là một thể thống nhất, làm gì có sự phân chia. Trái đất này chỉ như một hòn bi xanh trong vũ trụ bao la, ở đó vạn vật, chúng sinh "vô tình ta cùng chọn nơi này làm quê hương" (Như một hòn bi xanh). Chẳng biết tự khi nào, nhân loại đầy tham sân si bỗng nhiên phân chia thế giới ra làm trăm ngàn mảnh rồi xâu xé giành giật nhau gây ra bao cảnh tang thương, đầu rơi máu chảy.Theo cái nhìn của Phật giáo, vũ trụ là sự vận động và tương tác lẫn nhau của các hiện tượng tiếp nối vô thỉ vô chung, không có vật thể nào có thể tồn tại độc lập mà chúng nương tựa vào nhau tồn tại hài hoà nhau. Cùng một ý tưởng với Pháp duyên khởi của nhà Phật, nhà vật lí vĩ đại Stephen Hawking đã phát biểu trong tác phẩm “Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ” rằng: “Một con bướm vỗ cánh ở Tokyo có thể gây ra mưa ở công viên trung tâm ở New-york”. Trong Liên Hoa Kinh, các đại sư của Thiên Thai Tông cũng thường dạy rằng "toàn bộ vũ trụ nằm gọn trong đầu một hạt cải". Thế thì làm gì có sự phân biệt nào trong thế giới này, nói theo cách của Trịnh Công Sơn "Tôi là em và em cũng là tôi" (Tôi ơi đừng tuyệt vọng). Thế thì tìm em cũng chính là tìm tôi, tôi kết nối với vũ trụ cũng như tôi kết nối với tôi vậy.Hóa ra, trong cuộc tìm kiếm vĩ đại để "níu tay nghìn trùng", Trịnh Công Sơn đâu chỉ định "nối tròn một vòng Việt Nam". Đất nước, quê hương chỉ là khởi điểm để Trịnh Công Sơn giang rộng vòng tay kết nối cả càn khôn vũ trụ. Và tận cùng vũ trụ ấy, tại nơi chốn cội nguồn, vòng tay Trịnh Công Sơn bắt gặp chính mình. Cuối cùng tôi đã tìm thấy tôi để "nối liền một vòng tử sinh".

Vòng tử sinh ấy đã kết thúc trên một phận người. Đã mười bốn năm Trịnh Công Sơn giã từ cõi tạm mà về với cõi thiên thu linh thiêng để lại một gia tài đồ sộ những ca khúc thấm đẫm yêu thương vẫn đang từng ngày bền bỉ chảy tuôn như "dòng máu nối con tim đồng loại". Tự nhận rằng "Tôi chỉ là một loài chim nhỏ hót chơi trên đầu những ngọn lau" (Tin vào niềm tuyệt vọng) nên có một lần, trong Dã tràng ca, ông từng băn khoăn rằng tiếng hót của mình chỉ như là công việc của dã tràng xe cát: "Dã tràng xe cát hoài công...Công dã tràng muôn đời vỡ tan..., trùng dương ơi sao nỡ bỏ quên". Không gì an ủi ông cho bằng chính lời bạn thân của ông, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường: "Anh Trịnh Công Sơn, anh hãy yên tâm nghỉ giấc ngàn thu, giữa những tài năng ngoại hạng đã tích lũy nên di sản văn hóa của nhân loại. Mỗi người nghe nhạc anh đều xây cất một mộ phần cao sang dành cho anh trong tâm tưởng của họ, để từ đó nghe tên anh từ thiên thu vang dội trên nền cẩm thạch".
Và như thế, Trịnh Công Sơn đã nối linh thiêng vào đời.


Nguyễn Quốc Túy
Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2015

NGƯỜI CHƯA BIẾT TÊN


Bến xe Miền Đông

Ảnh minh họa

Bulukhin 2010

Bulukhin ở Vũng Tàu 2014

Trong khi chờ cô nhân viên hãng xe Mai Linh ở bến xe Miền Đông  viết vé  Sài Gòn - Vũng Tàu, bu linh cảm có ai chăm chú nhìn mình từ dằng sau. Vừa kịp bỏ tấm vé vào túi áo quay ra thì một cô gái trẻ  chừng 23- 24 tuổi tươi cười tiến đến.
- Cháu chào chú, rất may cháu lại được gặp chú ở đây.
- Xin lỗi…cô …
- Chú không biết cháu là ai,  nhưng cháu đã một lần rất áy náy vì cách xử sự của chú…
Bu ngớ ra, và chỉ biết hỏi lại:
- Cách xử sự của chú …Là thế nào nhỉ… Chú chưa hiểu cháu nói gì cả.
Bu vừa nói vừa xem đồng hồ, làm ra vẻ sốt ruột.
- Còn gần 20 phút nữa xe Vũng Tàu mới chạy mà chú. Cháu muốn xin chú vài phút để nói câu chuyện hôm 22 tháng 3 vừa qua. Bữa đó cháu vừa bật nhạc lên thì  ngay lập tức chú cuốn giấy nhét chặt vào hai tai làm cháu vừa  mặc cảm có lỗi, vừa thấy mình bị  khinh miệt làm sao ấy…
      Đến đây thì bu nhớ ra…Trên chuyến xe Mai Linh Sài Gòn về Vũng Tàu hồi cuối tháng 3, bu ngồi ghế số 2. Xe sắp lăn bánh thì một cô gái ăn bận diêm dúa lên xe, bu đứng dậy nhường lối cho cô ấy vào ghế số 3 sát thành xe cạnh chỗ bu ngồi. Người trên xe chuyện vãn ầm ĩ.  Xe chạy được vài chục phút thì cô gái lấy máy điện thoại di động mở nhạc ra nghe. Nhạc Tây, do một nữ ca sỹ thuộc loại danh tiếng hát. Bu có tật dị ứng với tiếng ồn, luôn luôn tâm niệm tiếng ồn là bom nguyên tử nổ chậm. Biện pháp chống ồn duy nhất lúc đó là vê giấy lại như con sâu kèn nhét chặt vào hai tai, không mở miệng nói với ai, và cũng chẳng muốn  nghe ai nói gì.

* * *

     Bu và cô gái ngồi trên dãy ghế  tương đối yên tĩnh trong nhà xe. Cô ấy không đẹp song có duyên, người khác giới ưa nhìn.  Cô có đôi mắt sáng, nhìn thẳng, tự tin, giọng Nam bộ chính gốc,  khúc chiết,  có vẻ như cô làm nghề MC hoặc giáo  học.
- Hôm ấy sao chú không bảo cháu tắt máy đi hoặc chỉnh nhỏ lại mà phản đối cháu quyết liệt đến thế.
- Tâm lý chú rất sợ người lạ gây gổ, càng sợ hơn nếu người ấy là phụ nữ. Chú thấy truyền hình đã đưa lên cảnh một cô gái trẻ măng, mặt mũi xinh xẻo, xông lên bạt tai anh cảnh sát giao thông ngay trên đường phố, hay cảnh một cô học sinh phổ thông non choẹt, nắm tóc bạn gái lôi xềnh xệch giữa vườn hoa công cộng. Chưa kể có bà vợ đốt chồng cháy thành than…Hôm ấy chú cũng định bảo cháu tắt máy đi vì trong xe đã quá ồn rồi, nhưng sợ cháu đốp chát, ông không nghe nhạc thì nhét tai lại, máy tôi tôi nghe, không ai cấm được… Chú hình dung ra thế và tự làm người điếc để cho yên thân. Lại tự động viên mình bằng câu thơ của Phạm Tiến Duật “Ung dung ghế nệm ta ngồi, nhìn đất nhìn trời nhìn thẳng”
- Ôi ! Bài thơ ấy của ông Duật có trong sách ngữ văn lớp 9 cháu thích lắm. Cái câu ấy chú “chế” đi rồi, nguyên văn nó là: Ung dung buồng lái ta ngồi, nhìn đất nhìn trời nhìn thẳng. Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng. Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim. Thấy sao trời và đột ngột cánh chim.  Như sa, như ùa vào buồng lái. Ủa, cháu lạc đề mất rồi… Cái gì nhỉ, à, ba chuyện chú kể  là con sâu làm rầu nồi canh, có phải con gái thời nay hư đốn như thế cả đâu. Chú có thừa nhận tội phạm xã hội bây giờ nam nhiều hơn nữ không.
- Có thể là nam nhiều hơn, nhưng phụ nữ là phái yếu, phái đẹp, nên tội trạng nam nữ như nhau thì người ta vẫn kinh hãi phụ nữ hơn.
 - Chú thông cảm cho, lần đầu tiên cháu tỏ ra thiếu văn hóa ở chỗ đông người. Hôm đó là 22 tháng 3, ngày ca sĩ da màu Whitney Houston qua đời.  Lễ Valentine 14 tháng 2 trước đó chị ấy còn hát bài I will always love you làm cả thế giới mê say. Chao ôi, con người tuyệt vời ấy mà người ta vùi xuống dưới đất đen.  Cháu đã khóc khi nghe tin danh ca ấy qua đời nên khi lên xe quên cả ý tứ…
- Hóa ra thế.
- Mà cháu hỏi thật, chú có vẻ yêu thơ thế, chả nhẽ chú không mảy may rung cảm khi nghe giọng ca vàng của Whitney Houston.
- Cô ấy là nghệ sĩ có hạng, chất giọng nữ trung làm say đắm lòng người, nhưng nàng hút xách nghiện ngập, đến nỗi chết trong bồn tắm, tư cách ấy làm chú hơi thiếu thiện cảm.
- Chao ôi là chú cực đoan,  vậy thì cách xử sự của chú là để phản đối chị ấy hay phản đối cháu.
- Phản đối cháu, ai lại đi chấp nhặt một tài năng đã thành người thiên cổ.
- Hôm ấy cháu đã tắt máy và nói lời xin lỗi, nhưng chú không nghe thấy, hoặc nghe thấy mà làm ngơ.
- Quả là chú điếc đặc, không nghe thấy gì cả.
- Hơn hai tiếng đồng hồ ngồi trên xe, tâm trạng cháu không yên.  Vừa tiếc thương tài năng Whitney Houston, vừa ấm ức người ngồi cạnh là chú. Khi xe dừng trước cửa chung cư Hodeco plaza để chú xuống, cháu nghĩ bụng thế nào cũng phải gặp lại chú để nhắc lại chuyện này. Cháu làm việc trên Thành phố nhưng nhà ở Vũng Tàu, cứ một hai tháng cháu lại về thăm nhà một lần.
- Chú ở trong ngôi nhà 21 tầng cao nhất Vũng Tàu, nơi đó ít ồn, ít bụi, lại lắm gió và nhiều mây trời. Nếu có việc phải xuống đất thì  phương châm chú là ba không: Không nghe, không thấy, và không nói...có thể như vậy là cực đoan…Dẫu sao thì chú cũng cảm ơn sự thẳng thắn của cháu… Mà đã đến giờ xe chạy rồi chú phải đi đây.
- Tự nhiên cháu thấy vui vui, cô bé đểnh đoảng hôm nào đã làm người siêu cực đoan thay đổi phương châm sống từ ba không thành ba có: Có nghe, có thấy, và có nói…hihihi.
      Bu vội vã ra cửa số 3, khi quay lại vẫn thấy cô gái còn đứng nhìn theo,  tươi cười đưa tay vẫy vẫy. Bu tự trách mình đoảng, không hỏi được một câu rằng cô ấy tên gì,  nhà ở đường phố nào trên hòn đảo Vũng Tàu đầy nắng gió và rất trữ tình này…




Đọc tiếp ...